Những ngày này, từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha cho tới Italia, Hy Lạp… đều sôi sục trong các cuộc đình công rầm rộ để phản đối chính sách khắc khổ, thắt lưng buộc bụng và tăng thuế của các chính phủ.
Ở Tây Ban Nha, nạn thất nghiệp đã lên tới mức cứ 4 người lao động thì có 1 người không việc làm. Sự tức giận của công chúng càng lên cao hơn sau vụ một phụ nữ cùng quẫn đã nhảy lầu tự sát hồi tuần trước vì bị ngân hàng cho người tới siết nhà.
Người Tây Ban Nha nổi giận khi thấy các ngân hàng giàu sụ được chính phủ giải cứu bằng tiền công quỹ trong khi dân thường phải chịu khốn khổ và họ cho rằng phải mạnh mẽ đòi lại công bằng.
Ở Bồ Đào Nha, các đường phố tuy có vẻ yên tĩnh hơn nhưng sóng ngầm chống đối vẫn đang cuồn cuộn, đe dọa phá hỏng các biện pháp khắc khổ mới của Thủ tướng Pedro Passos Coelho.
“Thắt lưng buộc bụng là một câu chuyện không bao giờ kết thúc. Chúng tôi thấy rốt cuộc chẳng có chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm, mà chỉ có thêm toàn đau đớn và khó khăn. Chúng tôi phải phản đối, phải làm điều gì đó để ngăn chặn nó” - Jose Marques, một người về hưu ở Lisbon, cho biết và khẳng định sẽ xuống đường trong ngày tổng đình công.
Các biện pháp khắc khổ thắt lưng buộc bụng, tăng thuế đã |
Một cuộc tổng đình công xuyên biên giới lần đầu tiên được phối hợp tổ chức giữa người lao động Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trên toàn bán đảo Iberia diễn ra theo lịch định vào ngày 14-11 để phản đối cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.
Armenio Carlos, người đứng đầu công đoàn CGTP tổ chức các hành động phản đối ở Bồ Đào Nha, nhấn mạnh: “Cuộc tổng đình công khắp Iberia lần đầu tiên diễn ra sẽ là một tín hiệu quan trọng cho thấy sự bất mãn và cũng là một lời cảnh báo gửi đến các chính quyền châu Âu”.
22% lực lượng lao động Tây Ban Nha, tương đương 5 triệu người, là thành viên công đoàn. Ở Bồ Đào Nha, khoảng 1/4 trong tổng số 5,5 triệu lao động nằm trong tổ chức công đoàn. Các công đoàn đã lên kế hoạch cho những cuộc biểu tình và tuần hành ở các thành phố trên khắp 2 quốc gia, khởi đầu bằng cuộc biểu tình lớn lúc 18:30 ngày 14-11 tại Madrid (0:30 ngày 15-11 theo giờ Việt Nam). 80% xe lửa đường dài và 2/3 xe lửa các chặng ngắn của Tây Ban Nha sẽ nằm ụ.
Toàn bộ hệ thống Metro của thành phố Lisbon sẽ đóng cửa hoàn toàn. Hơn 600 chuyến bay bị hủy ở Tây Ban Nha, chủ yếu là bởi Iberia và Vueling. Hãng bay hàng đầu của Bồ Đào Nha TAP cũng hủy khoảng 45% các chuyến bay. Các bệnh viện ở Tây Ban Nha cũng ngưng mọi dịch vụ, chỉ trừ bộ phận cấp cứu và phòng phẫu thuật.
Các nghiệp đoàn ở Hy Lạp và Italia cũng đã lên kế hoạch ngừng công việc và xuống đường biểu tình trong “Ngày Hành động và Đoàn kết châu Âu”, để chống lại những chính sách thắt lưng buộc bụng bị cho là thủ phạm làm cuộc khủng hoảng kinh tế của lục địa già kéo dài và tồi tệ hơn.
Công đoàn lớn nhất của Italia CGIL đã kêu gọi đình công nhiều giờ trên khắp đất nước, Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến tàu hỏa và phà ngưng hoạt động trong 4 giờ. Sinh viên và giáo viên sẽ xuống đường diễu hành.
Tại Hy Lạp, các công đoàn lao động khu vực công và tư đồng loạt kêu gọi ngừng việc 3 giờ và đi biểu tình chống thắt lưng buộc bụng, thể hiện đoàn kết với dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Fernando Toxo, người đứng đầu công đoàn lớn nhất của Tây Ban Nha Comisiones Obreras, tuyên bố: “Sự phối hợp xuyên quốc gia cho thấy chúng ta đang chứng kiến một thời điểm lịch sử trong phong trào Liên minh châu Âu”.