Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
2011 - một năm đầy sóng gió với nền kinh tế đã khép lại. Mặc dù nhiều chỉ tiêu đặt ra như tăng trưởng GDP, kiềm chế lạm phát đều không đạt, phải điều chỉnh nhiều lần, nhưng trong bối cảnh diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và trong nước, các kết quả đạt được vẫn rất đáng trân trọng.
Tăng trưởng GDP đạt xấp xỉ 6%, lạm phát dù ở mức khá cao (18,13%) nhưng diễn biến theo chiều hướng tích cực (đà tăng giảm dần); kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010 và cao hơn 3 lần chỉ tiêu Quốc hội đề ra (10%); cán cân thanh toán tổng thể ước thặng dư trên 3 tỷ USD, cải thiện đáng kể so với mức thâm hụt 3,07 tỷ USD của năm 2010…
Những kết quả này khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả của các quyết sách lớn về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đưa ra trong năm 2011 như Kết luận 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 02 và Nghị quyết 11 của Chính phủ…
Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân vào thành quả chung của nền kinh tế. 2011 được nhận định là năm khó khăn nhất trong quá trình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân. Để kiềm chế lạm phát, các chính sách tài chính - tiền tệ được thắt chặt, môi trường kinh doanh khó khăn đã buộc một bộ phận doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp vẫn trụ vững; nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh; không ít doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh không vì bài toán lỗ lãi đơn thuần mà vì tình cảm và trách nhiệm trước việc bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động và góp phần vào tăng trưởng. Đó là những nỗ lực rất đáng trân trọng của các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân.
Năm mới 2012 được dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức lớn. Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc), nguy cơ đổ vỡ nợ công châu Âu và khả năng bùng nổ cuộc chiến tranh tiền tệ, chiến tranh thương mại (thậm chí nguy cơ suy thoái kép)... đang ám ảnh về triển vọng kinh tế thế giới năm mới.
Ở trong nước, lạm phát dù được kiểm soát nhưng vẫn còn ở mức cao, kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, lãi suất cho vay chưa giảm... là những rào cản cần vượt qua để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2012. Khó khăn, thách thức của nền kinh tế cũng chính là khó khăn của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân.
Trước bối cảnh này, yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế và tái cấu trúc các doanh nghiệp là không thể trì hoãn để tạo thêm những xung lực mới. Tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh, để doanh nghiệp, doanh nhân chủ động củng cố những yếu tố nền tảng của sự phát triển, mà ưu tiên hàng đầu là nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực.
Tái cấu trúc còn nhằm vươn tới những chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành doanh nghiệp, khơi dậy được sức sáng tạo và tinh thần doanh nhân Việt.
Một tin vui là ngay trước thềm năm mới 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết đã phản ánh đúng những nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân và yêu cầu đang đặt ra cho nền kinh tế. Nghị quyết cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); khuyến khích tư nhân góp vốn vào các doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp lớn, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ cùng với các bộ, ngành và doanh nghiệp xây dựng chương trình hành động để sớm triển khai, đưa tinh thần Nghị quyết 09 vào cuộc sống. Đây chính là động lực mới giúp cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, hóa giải các khó khăn thách thức đang đặt ra.
Kể từ nay đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có một nghị quyết của Đảng xác định rõ vai trò, vị trí và định hướng phát triển cho mình. Cả hệ thống chính trị có trách nhiệm quan tâm, hậu thuẫn, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nhân. Và doanh nhân có trách nhiệm trước đất nước và vận mệnh dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Doanh nhân Việt Nam là những người mang tinh thần người lính làm kinh tế, có quyết tâm, ý chí của người lính để thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội giao phó, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là vô cùng quan trọng. Vì thế, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng là trách nhiệm của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân”.