Nhận định của ngành công thương và doanh nghiệp, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên năm nay, người tiêu dùng sẽ có xu hướng mua sắm cho Tết Nguyên đán sớm hơn thông thường mọi năm. Một số Sở Công thương dự báo có thể bắt đầu từ cuối tháng 11, đầu tháng Chạp, người dân đã chuẩn bị sắm Tết, vì nỗi lo dịch bệnh, lo thiếu hụt hàng hóa giữa cao điểm mua sắm, khó khăn giao hàng...
Các nhóm hàng mua sắm tập trung vào quần áo, mĩ phẩm, sản phẩm cho trẻ em… Chỉ có hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô hay hoa quả sẽ tập trung mua sắm vào khoảng thời gian cận Tết hơn.
Theo dự báo của Bộ Công thương, sức mua trong các tháng cuối năm 2021 sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước. Hàng hóa được tập trung mua sắm chủ yếu là lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cơ quan này đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt nguồn hàng thiết yếu cho người dân trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 sắp tới, với phương án cung ứng hàng hóa trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng đến tay người dân.
Bộ sẽ cùng các Sở Công thương địa phương, các ngành liên quan triển khai nhiều phương thức bán hàng thay thế trong thời gian các chợ tạm dừng hoạt động, như mô hình "mang chợ ra phố", điểm bán hàng, xe bán hàng lưu động, các điểm bán hàng bình ổn giá... tập trung chủ yếu vào lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cùng với đó là các mô hình "siêu thị 0 đồng" để cung ứng hàng hóa và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Các hình thức bán hàng theo combo, bán hàng trực tuyến, "tổ đi chợ hộ", ứng dụng công nghệ giao hàng… cũng sẽ được vận dụng linh hoạt để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp nhằm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, trong đó có ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động thuộc chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa; hỗ trợ về nguồn nhân lực bán hàng, giao hàng, kho vận, tài xế và phối hợp hướng dẫn phương án xử lý trong trường hợp có ca F0 tại cửa hàng, siêu thị, kho hàng...
Bộ Công Thương đang làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình cung-cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả, nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết.
Tại TPHCM, Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP (FFA) cho biết, các doanh nghiệp chủ lực đều đã hoạt động sản xuất trở lại. Trong đó, nhóm sản phẩm ăn liền như bún, mì phở,… có thể đáp ứng năng lực sản xuất đến 70-80%. Nhóm chế biến rau củ quả, sữa, thực phẩm tươi sống như thịt gia súc, gia cầm… có thể đáp ứng công suất lên 100%. Các doanh nghiệp sẽ làm việc tối đa công suất, để phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất trong các tháng còn lại của năm.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội lương thực - thực phẩm TPHCM, cho biết một số doanh nghiệp trong ngành bắt đầu tăng công suất, tăng ca để tăng lượng hàng hóa, ổn định giá cả, đảm bảo cung cấp hàng hóa đầy đủ, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết ngay khi TP ngừng giãn cách.
Điều khó khăn với nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng thiếu yếu này, theo bà Chi, là nhu cầu vốn để chuẩn bị cho đơn hàng Tết. Trong đó, nhu cầu thu mua, dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm chuẩn bị cho thị trường Giáng sinh và Tết Nguyên đán rất lớn.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương, nhiều loại hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh đang khôi phục dần, sức tiêu thụ hàng hóa, lương thực tại các siêu thị, chợ truyền thống đã gia tăng. TPHCM đã có sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành trong vùng, sẵn sàng cung ứng nông sản với giá hợp lý cho nhu cầu người dân.
Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết 2022 trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021.
TP Hà Nội cũng đã chuẩn bị phương án sản xuất, cung ứng hàng hóa Tết Nhâm Dần. Nhóm hàng được ưu tiên cần phải đảm bảo cung cầu trong dịp Tết gắn với công tác phòng, chống dịch là hàng tiêu dùng thiết yếu. Bao gồm gạo, thịt bò, thịt heo, thịt gà, thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ, trái cây tươi.
Cùng với đó là các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như nông lâm sản khô (măng, miến, mộc nhĩ…), bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa tươi, cây cảnh, xăng dầu, may mặc, điện máy... Và mặt hàng không thể thiếu là khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn...
Hà Nội cũng đưa ra phương án sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận huyện bố trí làm kho và điểm bán hàng lưu động; điểm trung chuyển hàng hóa; chuyển các địa điểm bán hàng không thiết yếu như siêu thị, cửa hàng, nhà hàng... sang bán hàng hóa thiết yếu, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nếu xảy ra dịch bệnh.
Sở Công thương Hà Nội dự báo tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với Tết năm 2021.