Báo ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông DƯƠNG SÀ KHA (ảnh), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.
PHÓNG VIÊN: - Xin ông cho biết những điểm nổi bật trong công tác giám sát, phản biện xã hội tại địa phương thời gian qua?
Ông DƯƠNG SÀ KHA: - Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của hệ thống MTTQ các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội. Thời gian qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Sóc Trăng đã tích cực triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Theo đó, tùy tình hình thực tế địa phương, cũng như qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, chúng tôi xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện định kỳ và đột xuất.
Chỉ riêng năm 2019, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều cuộc giám sát xoay quanh các vấn đề người dân quan tâm: giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phức tạp, kéo dài, vượt cấp; giám sát an toàn thực phẩm; việc tuân theo pháp luật trong công tác bắt, tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù tại trại tạm giam.
Ngoài ra, MTTQ cấp huyện, xã đã tổ chức và phối hợp thực hiện hơn 300 cuộc giám sát trên các lĩnh đời sống xã hội, như: sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường; quy trình bình xét hộ thoát nghèo; chương trình giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Nhìn chung, tất cả kiến nghị, đề xuất sau giám sát đều được các cấp ủy, chính quyền địa phương nghiêm túc xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với hoạt động giám sát, công tác phản biện xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng đã có những bước chuyển tích cực, tập hợp được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các tầng lớp nhân dân.
Cụ thể, trong năm 2019, bằng sự nỗ lực của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, cũng như sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, chúng tôi đã phản biện về việc ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy chữ Khmer tại các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer vào dịp hè và chữ Hoa tại các trường dân lập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Chương trình giám sát, phản biện về việc ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ người dạy chữ Khmer và chữ Hoa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: T.QUANG
- Theo ông, để công tác giám sát, phản biện xã hội đạt chất lượng, hiệu quả cần quan tâm những vấn đề gì?
- Công tác giám sát, phản biện xã hội hiện đã được quy định tại Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về quy chế và quy định giám sát, phản biện của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Thời gian qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh luôn quan tâm triển khai, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng 2 quyết định trên.
Từ đó, nâng cao nhận thức, ý nghĩa sâu sắc và tầm quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đến hệ thống chính trị và nhân dân.
Từ thực tế cho thấy, để MTTQ các cấp phát huy được vai trò trong công tác giám sát và phản biện xã hội cần sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền. Tại Sóc Trăng, các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho MTTQ các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, nghiêm túc xử lý, giải quyết các kiến nghị sau giám sát và phản biện.
Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp cần chủ động bám sát tình hình thực tế tại địa phương, nắm bắt những vấn đề bức xúc của nhân dân, cử tri để kịp thời kiến nghị xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện phù hợp. Qua đó, chủ động tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân xử lý những vấn đề phức tạp, nổi cộm ngay từ cơ sở.
- Còn những khó khăn trong công tác giám sát, phản biện xã hội hiện nay?
- Công tác giám sát, phản biện xã hội là hoạt động đòi hỏi người tham gia phản biện phải có trình độ, năng lực, khả năng tư duy, dự báo, phán đoán và kỹ năng phản biện tốt. Hơn nữa phải am hiểu về lĩnh vực tham gia giám sát, phản biện. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực của Mặt trận, các đoàn thể các cấp vẫn chưa đảm bảo yêu cầu.
Do đó, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Sóc Trăng thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ các cấp, hướng đến mục tiêu tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu hoạt động trong tình hình mới.
Trên thực tế, vẫn còn một số ít MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã chưa chủ trì được các cuộc giám sát độc lập, năng lực giám sát, phản biện còn hạn chế.
Do đó, MTTQ cần kêu gọi, lựa chọn những người có tâm huyết, trách nhiệm, am hiểu và có kiến thức, trình độ, năng lực chuyên môn trên một số lĩnh vực, đã nghỉ hưu tham gia Hội đồng tư vấn, Ban Tư vấn của MTTQ các cấp tham gia giám sát, phản biện nhằm nâng cao năng lực hoạt động, ghi nhận các góp ý thiết thực vào xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
- Xin cảm ơn ông.