Tâm điểm của cuộc khủng hoảng giá điện khi đó diễn ra ở châu Âu trong bối cảnh nguồn cung ứng khí gas bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, điều tích cực cũng xuất hiện khi nó làm thức tỉnh việc chuyển đổi sang các dạng năng lượng tái tạo thay thế khác.
Thúc đẩy chuyển dịch
Các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm năng lượng mặt trời, gió và thủy điện đã có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây. Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) dự báo tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Đối với các nền kinh tế và xã hội, điều đó là viễn cảnh tốt, bởi con đường đó tạo ra thêm nhiều việc làm, cũng như sự ủng hộ của nhiều chính phủ (bởi chỉ tiêu tăng trưởng trong tạo ra việc làm là một trong những mối quan tâm hàng đầu ở bất cứ quốc gia nào). Khi nhu cầu về năng lượng tái tạo tăng lên, nhiều cơ hội việc làm hơn được tạo ra trong ngành sản xuất, lắp đặt và bảo trì hệ thống năng lượng tái tạo.
Cũng có một ý nghĩa kinh tế đáng quan tâm khác là khả năng cạnh tranh về chi phí. Và điều đáng mừng là chi phí của công nghệ năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, giúp cho điện tái tạo ngày càng cạnh tranh với điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống.
Theo thống kê của BloombergNEF, chi phí cho sản xuất điện năng lượng mặt trời đã giảm 89% trong thập kỷ qua và chi phí năng lượng gió đã giảm 70%. Để cảm nhận sâu sắc hơn, nếu tính từ năm 1976 đến nay, giá thành của một mô đun quang điện (tấm pin mặt trời) đã giảm từ 106 USD/watt xuống chỉ còn 0,38 USD/watt, tức giảm 99,6%.
Đó là cả một quá trình đầy cố gắng để vượt qua thử thách một cách ngoạn mục, từ xuất phát điểm được đánh giá là thiếu tính thực tế cho đến khi được đưa vào sử dụng và tăng trưởng về quy mô cho đến ngày nay.
Yếu tố tích cực khác mà năng lượng tái tạo mang lại là góp phần làm giảm lượng khí thải carbon. Bởi các nguồn năng lượng tái tạo được kết luận là tạo ra lượng khí thải nhà kính tối thiểu so với nhiên liệu hóa thạch. Do đó, xu hướng chuyển dịch cơ cấu sang sử dụng năng lượng tái tạo đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon và chống biến đổi khí hậu.
Và những yếu tố này đã góp phần làm tăng đầu tư vào các năng lượng tái tạo hiện có, cũng như đầu tư vào nghiên cứu các công nghệ năng lượng tái tạo mới. Để thúc đẩy nhanh quá trình, các quốc gia trên thế giới đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để tạo cơ sở cho bộ máy điều hành xây dựng các chính sách hỗ trợ đi kèm.
Giảm quy mô nhiên liệu hóa thạch
Khi năng lượng tái tạo ngày càng nổi bật, các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang trải qua sự suy giảm nhu cầu và lợi nhuận. Điều đó có thể quan sát thấy khi các chính phủ và tổ chức quốc tế đang thực hiện các quy định chặt chẽ hơn để giảm lượng khí thải carbon, và thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững. Những quy định này thường hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khuyến khích áp dụng các giải pháp thay thế năng lượng tái tạo.
Để hỗ trợ cho các ngành năng lượng tái tạo, nhiều nơi trên thế giới đã đặt ra hoặc siết chặt các tiêu chuẩn về môi trường, bởi vì tác động tiêu cực của việc khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đối với môi trường là mối lo ngại ngày càng tăng trên toàn thế giới. Không chỉ có các chính phủ, mà cả công chúng, thậm chí cả các nhà đầu tư đang gây áp lực buộc các công ty sản xuất kinh doanh phải chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn.
Các động thái tạo ra áp lực khó khăn đó góp phần làm tăng rủi ro tài chính khi đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch, từ đó tạo thành làn sóng của các tổ chức tài chính và nhà đầu tư ưu tiên cho các hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm với xã hội hơn. Xu hướng thoái vốn đang tăng lên, với nhiều tổ chức rút vốn khỏi các khoản đầu tư liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.
Tương lai không còn xa
Những yếu tố ủng hộ từ khía cạnh môi trường, việc làm kết hợp với khía cạnh kinh tế là hiệu suất và hiệu quả chi phí ngày càng tăng của công nghệ năng lượng tái tạo, đã tạo ra cánh cửa rộng mở cho sự đổi ngôi trong cơ cấu sản lượng điện theo các nguồn nhiên liệu đầu vào.
Trong báo cáo gần nhất, Bộ Năng lượng Mỹ (IEA) ước tính rằng sản lượng điện toàn cầu từ năng lượng tái tạo sẽ lần đầu tiên ngang bằng với nguồn nguyên liệu than vào năm 2024, và vượt qua than để trở thành nguồn điện lớn nhất vào đầu năm 2025.
Trong khi sản lượng điện từ than hầu như chỉ đi ngang kể từ năm 2014 đến nay, thì quy mô của sản lượng điện tái tạo đã tăng trưởng liên tục với tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm từ 2014-2019 là 5,8%. Kể từ 2020-2024, tốc độ tăng trưởng trung bình của điện tái tạo tăng lên thành 7,7%, trong đó năm 2024 được dự báo tốc độ tăng trưởng lên tới 12,8%.
Âu đó cũng là nhờ cơn bão giá điện trong năm 2022 đã tạo ra áp lực thúc đẩy đối với nhu cầu đẩy nhanh cách mạng trong ngành điện thế giới.
IEA ước tính rằng sản lượng điện toàn cầu từ năng lượng tái tạo sẽ lần đầu tiên ngang bằng với nguồn nguyên liệu than vào năm 2024, và vượt qua than để trở thành nguồn điện lớn nhất vào đầu năm 2025.