Nâng tầm tâm thế Việt Nam

Kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 diễn trong bối cảnh nước ta đã tiến hành thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu Quốc hội khóa XIII và Chính phủ mới nhiệm kỳ 2011-2016, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước trên con đường tiến lên ấm no hạnh phúc mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã xác định rõ:

Kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 diễn trong bối cảnh nước ta đã tiến hành thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu Quốc hội khóa XIII và Chính phủ mới nhiệm kỳ 2011-2016, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của đất nước trên con đường tiến lên ấm no hạnh phúc mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã xác định rõ:

“Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”.

Đây là yêu cầu của thời đại mới trong hành trình ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; là mục tiêu lớn trong thập niên thứ 2 của thiên niên kỷ mới khi đất nước đã vươn lên vị thế mới: Việt Nam thuộc nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Với bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam chúng ta có niềm tin sẽ đạt được những thành tựu mới, tiếp tục nâng tầm tâm thế Việt Nam.

Thực tế cho thấy có cơ sở để kỳ vọng. Nhìn lại 10 năm qua, trong bối cảnh thế giới diễn biến khó lường: Chiến tranh, xung đột cục bộ, khủng bố, bất ổn chính trị - xã hội, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế…, Việt Nam vẫn không lâm thế bị động, đã đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 7% trong một thời gian dài, đưa quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000. GDP tăng nhanh đã cải thiện đáng kể đời sống người dân.

Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đối đầu với nạn đói, ngành nông nghiệp nước ta đã có bước tiến vững chắc, vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa xuất khẩu ngày càng nhiều các mặt hàng nông sản. Nước ta từ vị thế khủng hoảng, kém phát triển, sau khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra đường lối đổi mới và các đại hội sau tiếp tục kế thừa, đã đề ra các chủ trương, chính sách sát hợp thực tế, nhờ đó nền kinh tế đã vận hành sống động, đạt hiệu quả cao.

Từ một thị trường tiêu thụ của nước ngoài (thậm chí tiêu thụ hàng phẩm cấp thấp, hàng cũ), sản phẩm công nghiệp nước ta ngày càng phát triển đa dạng và phong phú, đảm bảo tiêu dùng trong nước và mở rộng xuất khẩu, bước đầu hình thành một số ngành công nghiệp mới, ngành công nghệ cao.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày một hoàn thiện; chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng tiếp tục được hiện thực hóa bằng cơ chế, chính sách cụ thể đã giải phóng sức sản xuất mạnh mẽ. Mục tiêu nhất quán đề ra là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Kết quả chỉ trong 5 năm gần đây, doanh nghiệp nước ta đã tăng hơn 2,3 lần về số lượng và 7,3 lần về số vốn đầu tư. Việt Nam với số dân đông, dân trẻ không chỉ là mảnh đất màu mỡ đối với doanh nghiệp trong nước mà còn là điểm đầu tư an toàn đối với doanh nghiệp nước ngoài muốn tìm vận hội kinh doanh mới.

Đánh giá một cách tổng quát, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhìn nhận nước ta “đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng”, đồng thời chỉ ra những yếu kém: “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chậm; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý, phân hóa xã hội tăng lên”.

Từ nhận định này, yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới là phải đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Đây là “lộ trình” mang tính dài hạn mà đất nước phải vượt qua để vượt thoát “bẫy thu nhập trung bình” đặt ra trong thời kỳ mới; đồng thời cũng là yêu cầu cấp bách thực tế nội tại nền kinh tế, để từ một nguồn lực hữu hạn (vốn, tài nguyên, nhân lực), ta có thể đạt hiệu quả một cách cao nhất. Điều này có tính chất vô cùng quan trọng, bởi nếu đạt hiệu quả cao sẽ nâng tầm vị thế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu, “cùng sánh vai chia phần” trong nền kinh tế thế giới.

Đây là vấn đề có tính chất bước ngoặt trong định hướng phát triển đất nước nên đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới nghiên cứu, các chuyên gia, các cơ quan đề xuất hoạch định chính sách… Vì vậy trong số báo đặc biệt này, ĐTTC dành trang mục thỏa đáng với chủ đề “Chuyển đổi mô hình kinh tế Việt Nam” (xem trang 10 đến 19) để đăng tải các bài viết tâm huyết của nhiều tác giả với nhiều góc nhìn khác nhau về nhiều lĩnh vực còn bất cập trong nền kinh tế và các kiến giải, đề xuất thực thi trong giai đoạn tới.

Chưa bao giờ thế giới diễn biến bất ổn, bất định như hiện nay. Cơn bão tài chính thế giới xuất phát từ tình hình nợ công ở châu Âu, Hoa Kỳ đã lan tỏa đến mức báo động, nhiều quốc gia phải tìm biện pháp ứng phó một cách vất vả. Với “độ mở” của nền kinh tế Việt Nam chắc chắn lĩnh vực xuất khẩu sẽ bị tác động mạnh trong thời gian tới, còn trước mắt là sự bất kham của giá vàng và nguồn vốn ODA, FDI, FII tiếp tục suy giảm.

Kinh tế nước ta đã vượt thoát nhanh nhiều cuộc khủng hoảng, đã đến lúc phải tập “sống chung” với bất ổn bằng cách nâng cao khả năng phòng vệ: Chuyển hướng thị trường thế giới, mở rộng thị trường nội địa, có chính sách nâng cao tính đề kháng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển ổn định, ngăn chặn hiệu quả lạm phát, tăng sức mua xã hội…

Khủng hoảng kinh tế gây sát thương cho các nền kinh tế là điều hiển nhiên, nhưng mức độ tổn thương nhiều hay ít còn tùy thuộc vào bản lĩnh lèo lái của người lãnh đạo có chính sách ứng biến thích hợp và cả tài năng, tầm nhìn của người đứng đầu doanh nghiệp. Chuyển đổi nhanh mô hình kinh tế Việt Nam là việc cấp bách, để vừa thích ứng với giai đoạn phát triển mới vừa là yêu cầu nóng bỏng đang đặt ra do tình hình thế giới thay đổi, đòi hỏi phải vận hành nền kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, an toàn.

Các tin khác