Nasdaq Composite lập kỷ lục mới; Dầu nối dài đà tăng tháng thứ 2

(ĐTTCO) - Chỉ số Nasdaq Composite tăng điểm vào thứ Năm (29/02), tiến lên mức đóng cửa cao kỷ lục lần đầu tiên kể từ tháng 11/2021. Các hợp đồng dầu thô tương lai cũng tăng tháng thứ 2 liên tiếp, khi OPEC+ được kỳ vọng sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng và dữ liệu lạm phát mới nhất trùng khớp với dự báo.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Nasdaq Composite lập kỷ lục mới; Dầu nối dài đà tăng tháng thứ 2

Phố Wall ghi nhận 4 tháng tăng liền

Kết phiên, chỉ số Nasdaq Composite nhích 0.90% lên mức cao mọi thời đại là 16,091.92 điểm, khi nhóm cổ phiếu công nghệ và con chip nhảy vọt vào cuối phiên. Chỉ số S&P 500 cũng tăng lên mức đóng cửa cao kỷ lục là 5,096.27 điểm, thêm 0.52%. Chỉ số Dow Jones tiến 0.12% đạt 38,996.39 điểm.

Phiên giao dịch hôm thứ Năm đã khép lại tháng 2 và ghi nhận 4 tháng tăng liên tiếp của Phố Wall, bất chấp chuỗi phiên giảm điểm đã làm dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của đợt leo dốc do trí tuệ nhân tạo AI thúc đẩy này. Trong tháng 2, Nasdaq Composite dẫn dầu với mức leo dốc 6.12%. S&P 500 vọt 5.17%, còn Dow Jones tăng 2.22%, đánh dấu mạch 4 tháng tăng liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 5/2021.

Nasdaq Composite lập kỷ lục mới vào thời điểm mà sự nhiệt tình đối với trí tuệ nhân tạo AI đã thúc đẩy một loạt cổ phiếu công nghệ lớn – và thị trường chung – trong năm 2023 và cả từ đầu năm nay đến hiện tại. Nhóm “7 siêu sao” (Magnificent 7) trên thị trường chứng khoán Mỹ, bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Meta Platforms, Microsoft, Nvidia và Tesla, đã dẫn đầu đà phục hồi của Nasdaq Composite sau năm 2022 đầy sóng gió bởi lãi suất tăng và lo ngại về suy thoái kinh tế.

Thật vây, các cổ phiếu con chip nằm trong số những cái tên nổi bật trong đà tăng vào thứ Năm, với cổ phiếu Advanced Micro Devices tăng vọt hơn 9% và chứng chỉ quỹ VanEck Semiconductor ETF cộng 2.2%.

Dữ liệu công bố vào thứ Năm cho thấy thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 1/2024 vẫn cao hơn mức mục tiêu của ngân hàng trung ương, nhưng ít nhất không vượt quá dự báo của Phố Wall. Cũng có những dấu hiệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ.

Cụ thể, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE cốt lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 0.4% trong tháng tăng 2.8% so với cùng kỳ năm trước, trùng khớp với dự báo của Dow Jones. PCE toàn phần, bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0.3% so với tháng trước và tăng 2.4% so với một năm trước, cùng phù hợp vơi dự báo.

Thu nhập cá nhân tháng 1 tăng 1% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 0.3%.

Trong khi đó, doanh số bán nhà đang chờ xử lý đã bất ngờ giảm trong tháng 1/2024 trong bối cảnh lãi suất thế chấp dao dộng. Doanh số bán hàng đang chờ xử lý sụt 4.9% trong tháng đầu năm, cũng tệ hơn nhiều so với dự báo tăng 2% từ Dow Jones.

Dầu tăng tháng thứ 2 liên tiếp

Giá dầu phần lớn ổn định sau khi báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho biết lạm phát tăng trùng với kỳ vọng trong tháng 1/2024.

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu WTI sụt 28 xu, tương đương 0.36%, còn 78.26 USD/thùng. Còn hợp đồng dầu Brent mất 6 xu, tương đương 0.07%, xuống 83.62 USD/thùng.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 2.8% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số PCE là thước đo lạm phát được Fed sử dụng khi cân nhắc về lãi suất.

Dự báo của nhà đầu tư về thời điểm Fed hạ lãi suất hầu như không thay đổi, với việc thị trường kỳ vọng đợt hạ lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6/2024.

Hợp đồng dầu WTI và dầu Brent lần lượt tăng 3% và 2.3% trong tháng 2, với các hợp đồng dầu thô tương lai giao ngay đang giao dịch ở mức giá gia tăng so với các hợp đồng giao sau. Mức giá giao ngay cao hơn giao sau thường là dấu hiệu của thị trường dầu đang thắt chặt.

OPEC+ đang xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến ít nhất quý 2/2024, ba nguồn tin đã nói với Reuters vào ngày 28/02. Hai nguồn tin khác lại cho biết tổ chức này có thể duy trì cắt giảm sản lượng trong thời gian còn lại của năm.

OPEC+ đã đồng thuận hồi tháng 11/2023 về việc cắt giảm 2.2 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2024 khi Mỹ, Canada, Guyana và Brazil bơm dầu thô với tốc độ chóng mặt, gây áp lực lên giá dầu vào cuối năm ngoái.

Giá dầu cũng tăng trong tháng này khi xung đột tại Trung Đông bùng phát, với căng thẳng leo thang ở biên giới Israel-Lebanon và phiến quân Houthi tiếp tục tấn công các tuyến hàng hải ở Biển Đỏ.

Cho đến nay, xung đột vẫn chưa làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu thô trong khu vực, mặc dù các chuyên gia phân tích đã cảnh báo có nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Iran và Mỹ, điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ.

Các tin khác