Nasdaq giảm 4 phiên liên tiếp
Khép phiên, chỉ số Dow Jones tiến 25,83 điểm, tương đương 0,07%, đóng cửa ở mức 34.500,66. S&P 500 giảm 0,01%, còn 4.369,71. Nasdaq Composite lùi 0,2%, xuống 13.290,78.
Cổ phiếu của Keysight Technologies đã trượt dốc gần 14% sau báo cáo doanh thu đáng thất vọng. Deere và Estee Lauder cũng lần lượt giảm khoảng 5,3% và 3,3% sau khi công bố kết quả kinh doanh. Cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn, bao gồm Meta, Amazon, Microsoft và Alphabet tiếp tục nhuộm đỏ trong tuần.
Chỉ số Dow kết thúc tuần giảm 2,2%, tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3. Trong khi đó, S&P 500 sụt 2,1% và ghi nhận tuần giảm thứ 3 liên tiếp, đánh dấu chuỗi lao dốc chưa từng xảy ra kể từ tháng 2. Nasdaq Composite giảm khoảng 2,6%, tuần giảm thứ ba liên tiếp - lần đầu tiên kể từ tháng 12.
Michelle Cluver, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao tại Global X ETFs cho biết: “Hiện tại, nền kinh tế vẫn đang chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế, nhưng [có] các câu hỏi đặt ra về việc lãi suất cần phải tăng thêm bao nhiêu, và vì vậy câu chuyện trong tháng này là về lợi tức cao hơn trong thời gian dài hơn.”
Lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm vào thứ Năm đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2022. Động thái tăng giá diễn ra một ngày sau khi biên bản cuộc họp tháng 7 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được công bố, trong đó cho thấy các đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể xảy ra do lo ngại về lạm phát vẫn còn.
Tuy nhiên, lợi suất đã giảm từ mức đỉnh vào thứ Sáu, với lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm thấp hơn khoảng 5 điểm cơ bản xuống còn 4,25%.
Các nhà đầu tư có những diễn biến quan trọng sắp xảy ra trong tuần tới, bao gồm cả bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị chuyên đề thường niên Jackson Hole của ngân hàng trung ương. Nhà đầu tư cũng sẽ để mắt đến công ty sản xuất chip Nvidia khi công ty này công bố báo cáo kết quả kinh doanh.
Dầu tăng 1% do các dấu hiệu sản lượng của Mỹ chậm lại
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng tương lai dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 86 cent, tương đương 1,1%, lên mức 81,25 USD/thùng và dầu thô Brent kỳ hạn cộng 68 cent, tương đương 0,8%, lên mức 84,80 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng dầu đều tăng cao hơn vào thứ Sáu sau khi dữ liệu ngành cho thấy số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm trong tuần thứ 6 liên tiếp. Sự sụt giảm trong sản xuất của Hoa Kỳ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung dự kiến trong suốt thời gian còn lại của năm nay.
Những lo ngại đó, được thúc đẩy bởi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, góp phần thúc đẩy giá dầu tăng trong 7 tuần liên tiếp kể từ tháng 6. Dầu thô Brent tăng khoảng 18% và WTI tăng 20% trong 7 tuần kết thúc vào ngày 11/8.
Tuy nhiên, trong tuần này, giá dầu đã giảm khoảng 2% so với tuần trước, do cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng ở Trung Quốc làm tăng thêm mối lo ngại về sự phục hồi kinh tế chậm chạp của nước này và làm giảm ham muốn rủi ro của các nhà đầu tư trên khắp các thị trường.
Rob Haworth, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại U.S. Bank Asset Management, cho hay: “Mối lo ngại của các nhà đầu tư vẫn tập trung vào căng thẳng giữa tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại và nguồn cung toàn cầu vẫn đang khan hiếm.”
Mối lo ngại cũng gia tăng rằng Fed vẫn chưa hoàn thành việc tăng lãi suất để giải quyết lạm phát. Chi phí vay cao hơn có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và do đó làm giảm nhu cầu chung về dầu mỏ.
Jay Hatfield, Giám đốc điều hành của Công ty quản lý vốn cơ sở hạ tầng cho biết, giá dầu chuẩn bị giảm thêm do nhu cầu theo mùa yếu đi vào mùa thu.
Hatfield cho biết ông hy vọng nhu cầu sẽ ổn định ở Trung Quốc mặc dù nền kinh tế của nước này đang chậm lại và dự báo giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 75 USD đến 90 USD/thùng trong những tháng tới.