Ngoài phục vụ đường sắt còn có đường bộ dành cho xe 2 bánh. Với hơn 117 năm tuổi, cây cầu là chứng tích lịch sử của Sài Gòn - TPHCM, thành dấu ấn khó phai trong ký ức của người dân TP.
2 tháng nữa, chiếc cầu 117 tuổi sẽ biến mất
Dự án cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn theo hình thức BOT, có xây dựng cầu xe lửa mới thay thế. Sau đó sẽ tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi với lý do đã xuống cấp và tạo thuận lợi cho giao thông thủy. Cầu Bình Lợi không được xem là di tích, không có trong danh mục kiểm kê di tích của ngành văn hóa, nên sau khi hoàn thành cầu Bình Lợi mới vào đầu tháng 5-2019, cầu Bình Lợi cũ sẽ bị tháo dỡ vào cuối tháng 6-2019.
Những năm qua, TPHCM đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, gợi lên điểm sáng hiện đại và thanh lịch. Mừng trước sự khởi sắc của TP, nhưng cũng có nhiều ý kiến lo ngại khi TPHCM mất dần những công trình kiến trúc có giá trị. Đã có những chiếc cầu cũ có dấu tích văn hóa, lịch sử, tình cảm người dân như cầu Bông (nối quận 1 và quận Bình Thạnh), cầu Chữ U (nối quận 6 và quận 8), cầu Nhị Thiên Đường (quận 8)... bị dỡ bỏ.
Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sắp tới đây, việc dỡ bỏ cầu sắt Bình Lợi sẽ gây tổn thất lớn. Người dân và du khách từng đến, từng nghe, từng thấy đều xem cầu sắt Bình Lợi như một di tích văn hóa, lịch sử. Một số nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đề xuất nên giữ lại cây cầu này tại vị trí cũ, cải tạo, nâng cao tĩnh không thông thuyền phục vụ phát triển du lịch và giao thông qua lại (đi bộ và xe đạp, xe máy). Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn giữ phương án tháo dỡ cầu cũ, chỉ xem xét đưa một phần kết cấu sau tháo dỡ vào viện bảo tàng, lưu kho hoặc đến nơi khác để trưng bày.
Nếu cầu sắt Bình Lợi có trong danh sách di tích, tất nhiên sẽ được xem xét bảo tồn bằng nhiều cách, như đã làm với cầu Mống (nối quận 1 với quận 4) khi xây dựng dự án Đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt). Phương án tháo dỡ cầu Bình Lợi cũ đưa vài bộ phận đến nơi khác trưng bày thì khó có thể gọi là bảo tồn, vì đã mất đi ý nghĩa, dấu tích xưa cũ, vị trí ban đầu, không gian sông nước. Còn phương án giữ lại mà tháo dỡ các nhịp giữa sông, không còn sử dụng cho giao thông thì sẽ trở thành cầu chết.
Với giá trị văn hóa lịch sử vốn có, xét về mặt kiến trúc đô thị, cây cầu này hoàn toàn có thể được xếp hạng di tích, cần được đối xử như mọi đối tượng phải bảo tồn, tôn trọng tính nguyên mẫu. Công việc rà soát, đánh giá để đưa vào danh mục bảo tồn là không khó. Vấn đề là cơ quan chức năng có muốn làm hay không. Bảo tồn những thứ được cho là di tích hay kiến trúc di sản, văn hóa lịch sử đã hình thành ý định từ khâu đặt vấn đề ban đầu.
Nếu chú trọng, sẽ xem xét phương án theo hướng giữ lại làm điều kiện ưu tiên. Ngược lại, chỉ hướng đến xóa bỏ cho xong... Ngoài ra, chi phí tháo dỡ cầu cũ tuy cơ quan chức năng chưa đưa ra con số chính thức nhưng tốn kém cho ngân sách không dưới 15 tỷ đồng. So với cầu sắt Bình Lợi, cầu Phú Long (nối TPHCM và tỉnh Bình Dương) có quy mô nhỏ hơn nhưng chi phí tháo dỡ đã 14,8 tỷ đồng.
đang được xây kế bên cầu xe lửa cũ. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phương án bảo tồn khả thi?
Thái Lan vẫn đang gìn giữ cây cầu cũ trên sông Kwai ở phía Tây Thái Lan, gần biên giới với Myanmar, để kinh doanh du thuyền, ẩm thực, thưởng ngoạn sông nước. Hàn Quốc sau khi xây xong cầu mới đều giữ lại các cầu cũ trên sông Hán, tổng cộng đã có hơn 30 cây cầu cũ được giữ để khai thác du lịch, giáo dục cho thế hệ sau những giá trị văn hóa lịch sử không thể lãng quên, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách.
Vậy sao chúng ta không tận dụng cầu sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn để phát triển du lịch, khai thác du thuyền, kết hợp kinh doanh ẩm thực truyền thống? Ngoài hiệu quả kinh tế và phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn sông nước cho người dân địa phương, đây còn là nơi thu hút khách du lịch quốc tế, giới thiệu với họ về văn hóa lịch sử Sài Gòn xưa.
Cầu sắt Bình Lợi mỗi ngày vẫn đang có hàng ngàn lượt người, phương tiện qua lại, khi đã có cầu Bình Lợi mới, nếu vẫn giữ cầu Bình Lợi cũ thì cầu này không còn lưu thông xe lửa, sẽ bớt đi phần lớn tải trọng. Lúc này có thể giữ chức năng dân dụng cho cư dân và tận dụng phục vụ giao thông đi bộ, xe đạp, xe máy.
Mặt khác, mật độ đi lại trong khu vực này hiện đang rất cao, xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, khi tháo dỡ cầu cũ sẽ càng làm tăng áp lực giao thông lên cầu mới. Cần một cuộc kiểm định bằng luận chứng khoa học, số liệu cụ thể, đánh giá toàn diện. Hãy làm cho cầu sắt Bình Lợi tham gia vào cuộc sống đương đại phục vụ đi bộ, xe đạp, xe máy, phát triển du lịch, đáp ứng mong muốn người dân.
Về kinh tế, thay vì phải chi phí tháo dỡ, thì dùng chi phí đó cải tạo và nâng cao tĩnh không thông thuyền, hoặc dùng cách xã hội hóa để đỡ tốn ngân sách là không khó. Có thể kêu gọi đầu tư hoặc góp vốn cùng sử dụng và khai thác du lịch.
Ngày nay đã có nhiều hãng, đơn vị chuyên cứu cầu cũ bằng kỹ thuật công nghệ tiên tiến. Cầu sắt Bình Lợi có thể được giữ lại, khai thác nếu muốn. Việc sửa chữa cầu cũ, nâng cao tĩnh không sẽ đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với xây cầu mới. TPHCM đã có kinh nghiệm giữ lại, gia cố, cải tạo, sửa chữa, thậm chí nâng tải một số cầu cũ xây dựng từ thời Pháp vừa sử dụng hiệu quả cho giao thông, phục vụ văn hóa.
Như cầu Chữ Y xuống cấp trầm trọng nên tải trọng từ 13 tấn buộc hạ xuống còn 5 tấn, sau khi được gia cố cải tạo đã trở lại tải trọng thiết kế ban đầu. Hay như cầu sắt Tân Thuận 1 (nối quận 4 và quận 7) có rất nhiều xe tải trọng trục lớn, container lưu thông ra vào cảng chở hàng nên cầu xuống cấp nặng chỉ còn chịu được tải trọng 13 tấn, nhưng sau khi được sửa chữa cải tạo đã nâng tải trọng cho cả đoàn xe 30 tấn lưu thông bình thường, chỉ tốn khoảng 21 tỷ đồng. Hiện nay dù đã có cầu mới Tân Thuận 2, cầu cũ Tân Thuận 1 vẫn sử dụng hiệu quả cho hàng ngàn lượt xe qua lại mỗi ngày.
Từ chuyện xử lý tháo dỡ cầu sắt Bình Lợi, chúng ta nhớ đến chuyện trước đây cũng đã có những trường hợp tương tự. Đó là cầu Long Biên (Hà Nội) và cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng), sau khi người dân có ý kiến, chính quyền đã yêu cầu giữ lại cầu tại vị trí cũ. Long An cũng từng dự định tháo dỡ cầu Đúc trăm tuổi được xây từ thời Pháp bắc qua sông Bảo Định, người dân góp ý, nên đã dừng lại.
Đây được xem là những quyết định nhân văn. Hy vọng qua những bài học cũ, cơ quan chức năng hãy xem xét lại cách xử lý cầu sắt Bình Lợi. Trong xây dựng đô thị, thành phố thông minh hay hiện đại, đâu chỉ phá bỏ cái cũ mà còn phải biết đánh giá gìn giữ kiến trúc văn hóa, di tích lịch sử, tình cảm cư dân.
CHƯA DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÁ DỠ CẦU CŨ BÍCH QUYÊN |