Nên “nuôi lớn” doanh nghiệp hay chạy theo số lượng?

(ĐTTCO) - Mục tiêu chạy theo số lượng đạt 1 triệu doanh nghiệp (DN) vào năm 2020 đã khiến nhiều ngành chức năng vận dụng mọi khả năng, kể cả ưu đãi thuế, để thực hiện. 
Thế nhưng, vấn đề đang tranh luận là nên tạo công bằng thuế bằng cách kiểm soát chặt để DN cạnh tranh bình đẳng và tạo điều kiện để nuôi sống DN, hay chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN cho đạt chỉ tiêu? Cách nào sẽ giúp nền kinh tế đi vào thực chất hơn?
Đề xuất giảm thuế còn 15% cho doanh nghiệp nhỏ
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự án (theo Nghị quyết của Quốc hội) về một số chính sách thuế thu nhập DN để hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa; đồng thời dự kiến miễn thuế cho hộ cá nhân chuyển sang DN. Mục tiêu là nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN cho đạt con số 1 triệu DN vào năm 2020. Nhà nước đã từng dùng công cụ thuế để hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chẳng hạn giai đoạn từ 1-7-2013 đến hết năm 2015 đã áp dụng miễn, giảm thuế và từ 1-1-2016 áp dụng mức thuế suất 20% cho DN nhỏ và vừa.
Nên “nuôi lớn” doanh nghiệp hay chạy theo số lượng? ảnh 1 Sản xuất bút bi tại doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: CAO THĂNG 
Đến nay, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất miễn thuế thu nhập DN 2 năm (kể từ khi có thu nhập chịu thuế) đối với DN chuyển đổi lên từ hộ, cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 15% đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người; mức thuế suất 17% đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người. Việc giảm thuế suất thuế thu nhập DN xuống mức 15% - 17% nhằm hỗ trợ và khuyến khích đối với DN nhỏ và vừa. Mặc dù, theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu áp dụng chính sách này sẽ làm giảm thu khoảng hơn 9.200 tỷ đồng. Trong đó, giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỷ đồng và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm. 
Được biết, trong hơn 600.000 DN hiện có của Việt Nam, khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500.000 DN; trong số này, có tới hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa, 2% là DN lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. Do vậy, theo Bộ Tài chính, việc hỗ trợ, thúc đẩy bằng chính sách thuế để DN nhỏ và siêu nhỏ, DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể là cần thiết. Thế nhưng, các chuyên gia lại đề xuất theo hướng làm sao để hỗ trợ DN lớn mạnh, hơn là chạy theo số lượng để rồi “giú ép” hộ kinh doanh cá thể lên DN. Đồng thời, kiểm soát thuế minh bạch hơn đối với hộ kinh doanh cá thể để đảm bảo công bằng và thu đúng, thu đủ cho ngân sách là cần thiết hơn.
Doanh nghiệp Việt chỉ “quanh quẩn trong nhà” 
Theo báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì chủ yếu DN tư nhân Việt Nam bán hàng ở nội địa. Cụ thể, hàng cung cấp dịch vụ cho cá nhân người Việt đến 66%, còn lại là cho các DN trong nước khác, rất ít bán ra nước ngoài. Như vậy có nghĩa là DN Việt Nam ít tham gia trực tiếp vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo thống kê, chỉ có khoảng 15% DN tư nhân Việt Nam bán hàng, cung cấp dịch vụ cho DN nước ngoài tại Việt Nam. Tỷ lệ DN Việt Nam xuất khẩu sản phẩm trực tiếp chỉ đạt 8,4% và tỷ lệ xuất khẩu gián tiếp qua bên thứ ba còn ít hơn - chỉ 7,4%.
Nên “nuôi lớn” doanh nghiệp hay chạy theo số lượng? ảnh 2 Tiểu thương mua bán tại chợ An Đông, quận 5, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG 
Nếu tính riêng khối DN nhỏ và vừa Việt Nam thì tỷ lệ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đạt khoảng 21%, trong khi các nước trong khu vực ASEAN đạt hơn gấp đôi - 46%. Trong khi đó, các chính sách của Nhà nước luôn hướng tới việc hỗ trợ, thúc đẩy khối DN nhỏ và vừa, thậm chí còn ban hành hẳn luật để hỗ trợ các DN này. Như TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, cũng phân tích nếu nhìn từ góc độ cơ cấu các thành phần là đáng quan ngại. Vì nguyên tắc, kinh tế tư nhân trong nước phải đóng góp chủ yếu vào GDP, thế nhưng đến giờ, sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 10%. Đã vậy, chúng ta lại có quá ít tập đoàn tư nhân lớn, ít tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất.
Một vấn đề đáng báo động về sự lệch lạc trong xu hướng phát triển kinh tế đất nước mà theo TS Trần Đình Thiên là “Tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật rất cao”. Do vậy, để DN phát triển thực sự, đem lại nền tảng cho nền kinh tế bền vững, các chuyên gia cho rằng Nhà nước cần hướng vào một chính sách toàn diện như nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách hệ thống pháp luật và chất lượng điều hành trong nước. Sau đó mới đến “các phần mềm” là hướng dẫn, xúc tiến thương mại để bắt cầu đưa các DN trong nước mở rộng thị trường, làm ăn với các nước khác.

Các tin khác