(ĐTTCO) - Giá dầu thô tụt giảm. Đồng rúp liên tục mất giá, chỉ số RTS niêm yết trên sàn chứng khoán Matxcơva bằng USD giảm đến 15%. Lạm phát tiếp tục tăng từ 12-15% trong năm 2015, thu nhập người dân giảm. Tình trạng suy thoái đang có tác động mạnh lên người nghèo.
«Kinh tế Nga giờ đang chuẩn bị đối mặt với những kịch bản tệ hại nhất», tựa trên Le Monde. Trước tình hình đáng báo động đó, ngày 19/01/2016, Hội Đồng An Ninh Liên bang Nga đã điều chỉnh lại các ưu tiên chiến lược của đất nước. Chính quyền Matxcơva đã nâng tình trạng «mất cân đối hệ thống ngân sách quốc gia » lên mức đe dọa tiềm tàng, cũng như là « tính chất mong manh của hệ thống tài chính quốc gia».
«Nước Nga giờ đang trong vòng xoáy kinh tế», tựa nhận định của bài xã luận trên Le Monde. Đây rất có thể sẽ là năm thứ hai liên tiếp đất nước của 146 triệu dân phải đương đầu tình trạng suy thoái kinh tế. Le Monde chỉ ra hai lý do chính.
Thứ nhất là do cơ cấu vận hành của Nga. Đất nước này sống nhờ vào nguồn thu từ dầu hỏa, nhưng lại chậm trễ trong các khoản đầu tư cho tương lai : Đó là các loại sản phẩm phái sinh từ dầu mỏ. Việc thiếu vắng nhà nước pháp quyền gần như là nguyên nhân chính làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài.
Lý do thứ hai do tình huống, trong đó nguyên nhân số 1 là giá dầu thô giảm. Ngân sách dành cho năm 2016 của Nga lúc ban đầu được dựa trên mức giá 50 USD/thùng, trong khi mà giá trên thị trường hiện nay là 30 USD/thùng. Nếu như xuất khẩu khí đốt chiếm đến một nửa nguồn thu quốc gia, việc Iran quay trở lại thị trường này sẽ còn gây thêm rắc rối cho Nga.
Nguyên nhân thứ hai là do tác động lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu vì Nga can thiệp vào Ukraina. Cuối cùng là do chi phí các chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ cũng đã bắt đầu đè nặng lên ngân sách.
Hệ quả là người dân Nga, những người có thu nhập thấp đã bị ảnh hưởng nặng. Ngay đầu năm, 39% người dân Nga được hỏi thú nhận không có đủ tiền chi tiêu cho các nhu cầu ăn mặc. Đó là chưa kể đến các khoản nợ của các chính quyền cấp vùng.
Trước thực trạng bi quan này, Le Monde cho rằng quan hệ giữa Nga và phương Tây có nhiều khả năng được xem xét lại. Trả lời phỏng vấn báo Đức, tổng thống Nga Putin đã có lời kêu gọi châu Âu gỡ bỏ lệnh cấm vận. Có vẻ như là ông đã quyết định không làm rối thêm tình hình Ukraine nữa. Trong khi đó Syria cần đến Nga, nhưng đất nước này không muốn rơi vào bẫy cam kết quân sự lâu dài.