Mùa hè 2020, thị trường phim cổ tích chỉ có duy nhất dự án “Người vợ thông minh” của Phương Nam Film rục rịch kêu gọi diễn viên. Rất nhiều năm giữ vị trí số một ở thể loại này nhờ loạt phim “Cổ tích Việt Nam”, Phương Nam Film rất tự tin thực hiện bộ phim dài 50 tập này.
Đạo diễn Quách Khoa Nam, người đã thành công với 2 phim cổ tích “Cậu bé nước Nam” và ”Hai chàng hảo hớn”, được giao cầm trịch “Người vợ thông minh”, chia sẻ: “Hiện nay, các đơn vị làm phim cổ tích gặp nhiều khó khăn vì bối cảnh đẹp, hoang sơ ngày càng khan hiếm. Kinh phí sản xuất hạn chế, khiến các đoàn phim phải đảm bảo tiến độ thực hiện, chuyện ăn ở hay đi xa để quay là cả vấn đề. Nhà sản xuất, nhà đài luôn động viên cố gắng làm, nhiều khi chúng tôi còn bỏ thêm tiền túi, miễn sao sản phẩm chất lượng”.
Dù điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, nhưng tác phẩm dành cho thiếu nhi vẫn còn khiến nhiều nhà sản xuất ngần ngại khi trút vốn đầu tư. Nếu làm phim hoạt hình thua xa các siêu phẩm nhập khẩu, còn nếu làm phim cổ tích phải bám vào những câu chuyện dân gian đã được khai thác đi khai thác lại, không biên kịch nào đủ sức thêm thắt tình tiết ấn tượng hơn. Đặc biệt, sau khi nữ minh tinh Angelina Jolie tung ra bộ phim “Tiên hắc ám” (tên tiếng Anh: Maleficent), những nhà sản xuất sợ tái mặt, khi hiểu rằng chất lượng phim cổ tích Việt Nam đang nằm ở dạng cực kỳ sơ khai và dễ dãi.
Một cảnh trong phim “Cậu bé nước Nam”.
Hầu hết nhà điện ảnh đều cho rằng làm phim thiếu nhi rất khó. Nhất là khâu kịch bản, như thổ lộ của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: “Muốn có phim thiếu nhi phải có kịch bản đề tài thiếu nhi bảo đảm chất lượng. Trên thực tế, đây là đề tài khó hầu hết biên kịch đều... né. Lý do họ không chịu dấn thân, đầu tư tìm hiểu xem trẻ con thích gì, cần gì, nghĩ như thế nào và ứng xử ra sao với những tình huống cụ thể. Không hiểu trẻ, nếu cứ “ép uổng” ngòi bút của mình theo tư duy “buộc phải trẻ con hóa”, hệ quả là những kịch bản khiên cưỡng”. Kịch bản phim thiếu nhi vốn đã hiếm, muốn hay lại càng khó khăn. Viết kịch bản phim cho trẻ em không đơn giản như các đối tượng khán giả khác, vì đòi hỏi tác giả phải tìm được tiếng nói chung với trẻ em, đề tài phải gần gũi và tươi mới. Đã có không ít bộ phim thiếu nhi vẫn nặng tính rao giảng, thích đưa ra các bài học đạo đức trong khi kém yếu tố hấp dẫn.
Trở ngại nữa của phim thiếu nhi là tìm kiếm diễn viên nhí phù hợp. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng nhận định: “Điều khiến các đạo diễn ngại làm phim thiếu nhi vì diễn viên của loại phim này hầu hết là nghiệp dư, đang ở độ tuổi đi học. Chọn được diễn viên hợp vai, có khả năng diễn xuất tốt chưa chắc gia đình đồng ý, rồi còn phải tránh thời gian học tập... Làm phim thiếu nhi, lượng phim quay tốn gấp nhiều lần so với phim người lớn với diễn viên chuyên nghiệp, trong khi kinh phí có hạn... Đạo diễn ngại, kịch bản lại chẳng có, nên phim thiếu nhi mất hút là chuyện dễ hiểu”. Tương tự, đạo diễn Vũ Hồng Sơn từng làm bộ phim “Đội đặc nhiệm nhà C21”, cũng thừa nhận ông ngừng làm phim mảng đề tài thiếu nhi vì những khó khăn không thể lường hết trong quá trình sản xuất phim: “Quản lý dàn diễn viên toàn trẻ con rất mệt, chưa kể việc sắp xếp để diễn viên nhí vừa có thời gian đóng phim, vừa có thời gian đi học”.
Diễn viên nhí Duy Anh rất được yêu thích qua dòng phim cổ tích.
Nhiều người trong giới làm phim vẫn còn mặn mà với sứ mệnh phục vụ khán giả nhí đều cho rằng, cơ quan quản lý văn hóa cần có cơ chế buộc các đài truyền hình phải dành thời lượng trình chiếu với tỷ lệ phim thiếu nhi Việt Nam nhất định. Đó không phải phim mua bản quyền từ nước ngoài, chuyển ngữ rồi phát lại. Bởi lẽ, lực lượng sáng tác, ê-kíp tạo ra những phim thiếu nhi có chất lượng không thiếu, nhà sản xuất cũng sẽ tham gia nếu họ được sự hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước. Nếu chỉ kêu gọi suông, đài truyền hình vẫn bán sóng cho các game show, vẫn áp dụng cơ chế tính toán thu tiền quảng cáo phim thiếu nhi theo kiểu phim truyện như hiện tại, tình hình sẽ càng tồi tệ hơn.
Nhà phê bình điện ảnh Cát Vũ trăn trở: “Thiếu nhi là mầm non hôm nay nhưng là rường cột tương lai của đất nước. Lẽ ra, các em phải được nuôi dưỡng từ vật chất lẫn tinh thần, thỏa mãn nhu cầu học tập, trau dồi kiến thức cho đến vui chơi, giải trí. Nhưng hiện nay, các em bị bỏ rơi ở mảng phim ảnh. Nhà sản xuất không mặn mà, cơ quan quản lý cũng chưa cải thiện được tình hình. Ở các nước, người ta rất chú trọng các chương trình, phim cho thiếu nhi, chi tiền đầu tư để các nhà sản xuất thực hiện. Họ lồng ghép vào các phim, chương trình giải trí từ văn hóa bản địa cho đến các bài học giáo dục nhân cách để phục vụ khán giả nhí của mình”.
Giải thích nguyên nhân không mạnh dạn đầu tư làm phim cổ tích cho thiếu nhi, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sena Film, nhấn mạnh: "Việc sản xuất phim truyền hình của tư nhân hiện nay trăm điều khó, nhất là phần vốn. Nếu phim bán quảng cáo không được, thua lỗ là điều chắc chắn, trong khi các thương hiệu, nhãn hàng có vô số kênh lựa chọn để quảng bá”.
Tuy nhiên, một trong những hy vọng để những nhà làm phim cổ tích nước ta tiếp tục công việc nhiều thử thách của họ, là khả năng kiếm tiền từ việc công chiếu trực tuyến. Bằng chứng là vài phim cổ tích như “Vợ cóc” hoặc “Sự tích Thạch Sùng” đạt được hàng chục triệu lượt xem trên YouTube, mang lại cho nhà sản xuất nguồn thu khá hấp dẫn. Nếu khai thác được tiện ích công nghệ, phim cổ tích dành cho thiếu nhi vẫn có thị trường riêng biệt, đủ hài lòng cả đối tượng sản xuất lẫn đối tượng thụ hưởng.