Thị trường chứng khoán không phản ánh đúng nền kinh tế. Tuy nhiên, rất hiếm khi khoảng cách giữa Phố Wall và Phố chính lại lớn đến vậy. Mỹ đang trải qua cuộc khủng hoảng chủng tộc tồi tệ nhất từ năm 1968, sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd. Biểu tình và bạo loạn đã diễn ra ở nhiều thành phố trên cả nước, tình trạng cướp bóc cũng xảy ra tràn lan. Do đó, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ điều động quân đội để ngăn chặn tình trạng bạo lực.
Bất ổn về dân sự có thể khiến diễn biến của đại dịch Covid-19 trở nên nghiêm trọng hơn, từ đó có thể khiến tác động đối với nền kinh tế trầm trọng hơn nữa. Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, cuộc chiến thương mại của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới không có dấu hiệu giảm nhiệt.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vẫn chứng kiến những phiên bùng nổ. Kết thúc phiên 3/6, S&P đã chạm mức cao nhất trong gần 3 tháng sau đó giảm nhẹ ở phiên 4/6. Trong khi đó, Nasdaq tăng gần 40% kể từ mức thấp ghi nhận hôm 23/3. Có 2 lý do chính giải thích cho điều này, đó là: quy mô kích thích chưa từng có của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và các nhà đầu tư với tâm lý FOMO khi nền kinh tế dần hồi phục.
Joe Brusuelas – kinh tế gia trưởng tại RSM International, cho biết ông không thể nhớ về thời điểm chứng kiến khoảng cách giữa Phố Wall và nền kinh lớn như thế này. Ông cho rằng một phần ở đây là do số lượng công ty niêm yết tại Mỹ sụt giảm. Ông nói: "Thị trường đang bị phá vỡ. TTCK không còn phản ánh triển vọng tương lai thực sự phù hợp với nền kinh tế. Đó là một vấn đề, bởi đôi khi, nhà đầu tư sẽ cho rằng thị trường này được sắp đặt."
Theo Robert Shiller – kinh tế gia đoạt giả Nobel, nhận định bối cảnh rủi ro gia tăng và giá cổ phiếu tăng cao sẽ khiến TTCK "mong manh" với tình trạng giá xuống. Ông cho hay: "Tôi không nghĩ rằng những mô hình kinh tế tiêu chuẩn đóng vai trò quan trọng trong việc dự báo hiện tại."
Phản ứng tích cực của Fed là "chiếc khẩu trang" đối với nền kinh tế
Một lý do khiến Phố Wall tiếp tục khởi sắc, bất chấp tình trạng hỗn loạn đang diễn ra đó là "chiến dịch giải cứu" kinh tế được chính phủ liên bang thực hiện tích cực. Đáng chú ý nhất, Covid-19 đã thúc đẩy Fed thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn năm 2008. Fed đã hạ lãi suất xuống mức 0 và cam kết sẽ mua trái phiếu với quy mô không giới hạn, triển khai một loạt chương trình khẩn cấp và đang chỉ đạo việc mua trái phiếu rác.
Phản ứng của Fed đã có hiệu quả trong việc hồi sinh thị trường tài chính vừa chứng kiến đà bán tháo chưa từng có cách đây khoảng 3 tháng. Hơn nữa, ông Jerome Powell cũng cam kết sẽ đưa ra nhiều động thái hơn nữa nếu cần thiết. Theo đó, Kristina Hooper – chiến lược gia toàn cầu tại Invesco, nhận định: "Rõ ràng rằng Fed là yếu tố thúc đẩy đà tăng hiện tại của thị trường."
Điều này có nghĩa rằng trong khi Phố chính vẫn chật vật với những ảnh hưởng của dịch bệnh, khủng hoảng chủng tộc, thì Phố Wall vẫn rất khởi sắc. Chính sách của Fed đã khiến TTCK "tách rời" thực tế của nền kinh tế.
Tâm lý FOMO
Việc nhà đầu tư dự đoán được đà hồi phục của nền kinh tế là một điều bình thường. Đó là những gì đã diễn ra khi TTCK Mỹ chạm đáy vào tháng 3/2009, dù nền kinh tế vẫn ở trạng thái hỗn loạn. Theo đó, Phố Wall đã chứng kiến thị trường "con bò" kéo dài nhất trong lịch sử.
Hiện tại, đã có một số dấu hiệu ẩn hiện cho thấy sự sụt giảm của nền kinh tế đã chạm đáy, các bang đã bắt đầu rục rịch mở cửa trở lại và hoạt động phục vụ hành khách của các hãng hàng không đang dần hồi phục.
Shiller cho biết nhiều nhà đầu tư với tâm lý FOMO, hay là sợ bỏ lỡ, bởi họ đã không thể rót tiền ở lần tăng giá trước đây của thị trường. Ngoài ra, sự tự tin của Tổng thống Trump về khả năng nền kinh tế hồi phục nhanh chóng cũng là yếu tố thúc đẩy thị trường. Ông nói: "Donald Trump đã khuyến khích sự tự tin. Bạn không cần tin ông Trump, bạn chỉ cần thấy rằng người khác tin tưởng ông ấy."
Nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại rằng sự hồi phục có thể bị chậm trễ hoặc gặp khó khăn do những cuộc biểu tình, tùy thuộc vào thời gian tình trạng này kéo dài. Niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể sụt giảm mạnh hơn nữa, khiến chi tiêu bị cắt giảm – trong khi đây là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Danielle DiMartino Booth – CEO và chiến lược gia trưởng tại Quill Intelligence, nhận định: "Đó sẽ là những tác nhân gây ra sự chậm trễ cho sự hồi phục của nền kinh tế trong một thời gian ngắn. Nếu điều này vẫn tồn tại, thì sự bất ổn của toàn bộ nền kinh tế sẽ leo lên một nấc thang mới."
Hiện tại, vẫn còn quá sớm để xác định rằng tình trạng bất ổn có khiến tác động của đại dịch trở nên tồi tệ hơn hay không. Trong khi đó, bác sĩ Jerome Adams hôm thứ Hai đã chia sẻ trên Politico rằng "mọi thứ chúng ta đang chứng kiến có thể tạo ra những cụm dịch mới và khiến làn sóng dịch bệnh tiếp theo bùng lên." Điều này có thể khiến một số bang phải tạm hoãn kế hoạch mở cửa lại hoạt động kinh doanh.
Tác động của tình trạng bất bình đẳng đến Phố Wall
Dù những cuộc biểu tình ban đầu được "châm ngòi" bởi cái chết của George Floyd, thì tâm lý bất mãn tiếp tục lan rộng hơn. Từ lâu, Mỹ đã tồn tại tình trạng bất bình đằng có thể cảm nhận rõ rệt, đặc biệt là về chủng tộc và giới tính. 1% hộ gia đình giàu nhất nước này nắm giữ khối tài sản 36,8 nghìn tỷ USD tính đến cuối năm nay, tăng 641% so với mức 4,9 nghìn tỷ USD trong năm 1989. Trong khi đó, 50% những gia đình nghèo nhất chỉ nắm giữ 1,7 nghìn tỷ USD vào cuối năm ngoái – tăng 112%.
Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo đã tở nên tồi tệ hơn do cuộc Đại suy thoái và hậu quả từ đó. Phản ứng của chính phủ Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed, thay vì chính sách kích thích tài khóa có thể hỗ trợ người Mỹ có thu nhập thấp.
Hooper nhận định: "Các chính sách được đưa ra nhằm giúp nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng đã khiến tình trạng bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn."
Tình trạng bất bình đẳng không chỉ là một vấn đề mang tính xã hội mà còn có thể ảnh hưởng đến cả Phố Wall. Đó là bởi tình trạng này có thể dẫn đến những giai đoạn bất ổn, khiến doanh nghiệp và người dân không muốn chi tiêu, gây tổn hại đến lợi nhuận doanh nghiệp. Hơn nữa, sự bất bình đẳng có thể thúc đẩy sự phổ biến của những đề xuất nhằm tạo ra sự thay đổi sâu rộng trong hệ thống, ví dụ như đề xuất về thuế tài sản của Elizabeth Warren.