Dự án FDI vào ngành chế biến gỗ tăng mạnh
Các dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ còn lại là sản xuất dăm gỗ, dịch vụ ngành gỗ, pallet gỗ, phụ trợ ngành gỗ, ván nhân tạo, viên nén... Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trend, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu danh sách nhóm các nước đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2019, có trên 50 triệu USD từ các dự án FDI mới của Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam, hơn 1,7 lần so cùng kỳ năm 2018.
Nhưng điểm chú ý là quy mô vốn đầu tư chỉ có 2,1 triệu USD/dự án, so với 4,2 triệu USD/dự án cùng kỳ năm trước. Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cảnh báo, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ cần hết sức tỉnh táo để xem đâu là cơ hội và đâu là rủi ro tiềm ẩn. Tuyệt đối không tiếp tay gian lận cho những DN FDI đầu tư chỉ để thay đổi hay gian lận xuất xứ hàng xuất khẩu, nhằm tránh bị vạ lây.
Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ khoảng 3 - 4 tỷ USD đồ gỗ chế biến. Trước đó, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu mặt hàng này (20 tỷ USD/năm).
Nếu Việt Nam biết tận dụng lợi thế cũng như ổn định được nguyên liệu trong nước, nguồn nhân lực, đầu tư thêm thiết bị, công nghệ và làm tốt việc xúc tiến thương mại thì DN đồ gỗ Việt không chỉ tăng thêm thị phần từ “chiếc bánh” này mà còn đạt được mục tiêu lớn hơn. Đó là đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu hàng gỗ nội thất của thế giới.
Nhận diện doanh nghiệp lạ
Vấn đề là các DN Việt trong ngành chế biến gỗ có thật sự liên kết với nhau không? Nhất là Nhà nước có quản lý được tình trạng “hồn Trương Ba, da hàng thịt” hay không, khi có một số DN FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm “núp bóng” để né thuế và lẫn tránh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thay vì làm ăn đàng hoàng. Đó là điều các DN trong ngành đang quan ngại và cảnh báo.
Nếu kiểm soát được vấn đề này, theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ nắm giữ cơ hội lớn để tăng trưởng mạnh thị phần xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, nguy cơ này không còn là cảnh báo mà đã là sự thật. Đó là trường hợp mặt hàng ván sàn, chi tiết ghế từ Việt Nam xuất sang Mỹ tăng vọt, trùng với tình trạng cũng mặt hàng này từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam tăng tương đương.
Theo phân tích dựa trên số liệu hải quan của HAWA, lượng ván dán xuất khẩu năm 2018 của Việt Nam xuất vào Mỹ tăng hơn 70%, cùng thời điểm năm nay chỉ tăng 9%. Nhưng theo số liệu thống kê từ hải quan Mỹ, lượng ván dán Việt Nam xuất vào Mỹ tăng hơn 70% trong 7 tháng đầu năm 2019.
Ông Lê Triều Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), cho rằng cần xem kỹ dấu hiệu lẫn tránh thuế ở mặt hàng gỗ dán. Hiện Mỹ áp mức thuế gỗ dán từ Trung Quốc lên đến 300% nên DN Trung Quốc khó xuất sang Mỹ, dẫn đến tình trạng một số DN Trung Quốc chuyển sang Việt Nam đầu tư để “núp bóng”. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Cục Phòng vệ thương mại kết hợp với ngành hải quan, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) kiểm tra một số DN có dấu hiệu bất thường như có lượng xuất khẩu tăng mạnh dù mới được thành lập.
Trong khi đó, Cơ quan Hải quan Mỹ (CPP) đã cử đoàn kiểm tra sang Việt Nam thẩm tra một DN khi có mặt hàng tăng đột biến một cách đáng nghi vấn. Đó là mặt hàng đồ nội thất xuất rời từng chi tiết, sau khi đến Mỹ đươc lắp ráp thành phẩm. Theo CPP, mặt hàng của DN này xuất sang Mỹ tăng mạnh cùng lúc mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng.
Cách mà Cục Phòng vệ thương mại theo dõi mặt hàng nào đó là căn cứ vào: xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ giảm, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng và xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng. Khi hội đủ 3 yếu tố này sẽ là nguy cơ để phía Mỹ điều tra. Với phát hiện đầu tiên, DN đó sẽ bị phạt riêng lẻ, nhưng nếu phát hiện thêm DN khác, có nguy cơ mặt hàng đó của tất cả DN Việt đều bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công thương dự kiến thiết lập cơ chế đăng ký xuất khẩu một số mặt hàng nhạy cảm như ván dán, ván dăm… qua website. Với cách này không chỉ đơn giản mà còn giúp kiểm soát từ đầu vào và đầu ra. Hải quan các nước có thể vào website để kiểm tra, đối chiếu xác thực DN xuất khẩu. Đồng thời, đánh động DN từ bỏ ý định “đi xe nhờ không mất tiền”. |
Trên thực tế còn xảy ra tình trạng, các nhà máy chế biến gỗ Việt Nam được mua bằng vốn của DN Trung Quốc dưới dạng cổ phần, tạo ra các sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam và xuất đi Mỹ. Các hội, hiệp hội ngành gỗ kiến nghị, cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể về những rủi ro trong các dự án đầu tư FDI đối với những sản phẩm xuất khẩu. Đó là việc mở rộng dự án, các dự án mua cổ phần, mua - bán sáp nhập DN…
Cần đánh giá kỹ các dự án FDI vào ngành chế biến gỗ, bởi thực chất họ chỉ lấy giấy phép đầu tư để thuê thiết bị, nhà xưởng và nhân công Việt Nam sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh yêu cầu HAWA với sự nhanh nhạy, am hiểu trong ngành, cũng như khả năng tiếp cận số liệu từ các cơ quan chức năng, tìm ra sự gia tăng một cách bất thường của những mã hàng và phát hiện ra những DN “lạ” để kiến nghị Bộ Công thương kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh nguy cơ khiến toàn ngành bị ảnh hưởng.