Tây Ninh đã chỉ đạo lập ra các chốt canh tại vị trí thông thương đi lại ngay đường mòn, lối mở vùng biên giới hai nước, đảm bảo ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh Covid-19 thâm nhập từ bên ngoài vào.
Cắm chốt dã chiến 24/24h
Chúng tôi theo chân anh Võ Trần Nguyên - Phó Bí thư xã đoàn Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đi thăm các chốt canh nằm dọc theo đường mòn, lối mở, thuộc khu vực biên giới, giáp ranh xã Thành Long, huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) với nước bạn Campuchia. Đường biên giới giữa 2 nước, nằm cách trung tâm xã Thành Long chỉ 7 km.
Có tất cả 7 chốt canh đã được lập ra, mỗi chốt dã chiến đều có khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” như củng cố thêm quyết tâm của lực lượng làm nhiệm vụ, trong đó 3 chốt do lực lượng biên phòng cửa khẩu Phước Tân canh giữ, 4 chốt còn lại do xã Thành Long lập ra, mỗi chốt có các tổ trực, mỗi tổ gồm 3 người/1 tổ, bao gồm lực lượng công an xã, biên phòng và dân quân xã. Ở mỗi chốt, có các tổ luân phiên nhau trực 24/24h.
Tại chốt canh dọc biên giới, có trang bị giường chiếu, lều che, nước uống, công cụ hỗ trợ tuần tra và đèn pin. Nhiệm vụ của chốt canh đặt tại giáp ranh biên giới là phát hiện, hướng dẫn và ngăn cản người dân qua lại đường biên giới hai nước.
Theo anh Hà Công Dân, dân quân xã Thành Long, huyện Châu Thành tham gia trực tại chốt canh tại biên giới giáp ranh với nước bạn Campuchia: ở đây ban đêm không có điện, ngay cả tại chốt canh, nên anh em dùng đèn pin để làm nhiệm vụ phát hiện người qua lại khu vực biên giới. Khi phát hiện người qua lại khu vực biên giới, tổ trực sẽ hướng dẫn họ quay về hoặc đi đến cổng chính qua lại tại Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân, chứ không cho đi lại, thông thương qua đường mòn, lối mở.
“Ngày trước, anh em biên phòng chốt trực tại vùng giáp biên, thấy người qua lại sẽ đỡ buồn, nhưng nay thấy người là sợ, vì đang có dịch bệnh Covid-19”, anh Huỳnh Tấn Thuần, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân chia sẻ.
Áp lực của địa bàn vùng biên giới
Tây Ninh là tỉnh biên giới, có đường biên giới dài 240km giáp với Camuchia. Dọc tuyến biên giới, có nhiều đường mòn, lối mở, các cửa khẩu chính, phụ, quốc gia và quốc tế. Trước khi có dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày bình quân có 10.000 lượt người qua lại các cửa khẩu. Nên khi xảy ra đại dịch Covid-19, Tây Ninh là một trong số địa phương chịu nhiều áp lực trong việc kiểm soát lượng người xuất nhập cảnh.
Theo Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Tây Ninh: Việc công dân Việt Nam nhập cảnh vào lãnh thổ Campuchia và việc nhập cảnh của công dân Campuchia vào Việt Nam bằng đường bộ, đường thủy và đường không đã tạm ngừng kể từ 23h59 ngày 20/3/2020 nên đã giảm bớt phần nào áp lực cho lực lượng biên phòng, hải quan cửa khẩu. Tuy nhiên, để ngăn chặn việc người dân rẽ hướng đi lại nơi đường mòn, lối mở, nên cần lập ra các chốt canh để kịp thời phát hiện, hướng dẫn người dân chấp hành đúng quy định việc đi lại khu vực biên giới trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Trước khi có quy định không giải quyết thủ tục nhập cảnh đối với những hành khách người nước ngoài đến từ vùng dịch, đồng thời vận động người dân khu vực biên giới không đi lại bằng các đường mòn, lối mở mà đi đường cửa khẩu chính để được kiểm tra y tế, những trường hợp nhập cảnh qua cửa khẩu, từ Campuchia vào Tây Ninh, đều được đo thân nhiệt và khai báo y tế, nên đã kiểm soát được tình hình sức khỏe.
Những trường hợp nghi ngờ khi nhập cảnh, sẽ được đưa về Trung tâm y tế huyện Châu Thành (gần khu vực biên giới) để cách ly và tiến hành các bước kiểm tra theo quy định. 2 ca dương tính với Covid-19 tại Tây Ninh đang điều trị - cách ly y tế cũng là người nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, không phải người nội địa phát bệnh.
Trong cuộc họp về phòng chống dịch bệnh Covid-19 mới đây, ông Phạm Văn Tân - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Công Thương, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an và UBND các huyện, thị xã biên giới cần phối hợp chặt chẽ, chú trọng đến việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ cư dân qua lại biên giới, các cửa khẩu chính và phụ, đường mòn, lối mở qua biên giới trong vòng 1 tháng. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, động viên người dân hạn chế qua lại biên giới.