Ngăn chặn tình trạng “báo hóa” tạp chí - Nhiều thủ đoạn tống tiền

(ĐTTCO) - LTS: Thời gian gần đây, tình trạng “báo hóa” tạp chí diễn biến phức tạp với rất nhiều biểu hiện lệch lạc, gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội và chức năng định hướng dư luận của báo chí; kéo theo một bộ phận những đối tượng xuống cấp về đạo đức, nhân danh nhà báo, phóng viên, sẵn sàng bán rẻ lương tâm, trục lợi cho bản thân hoặc “nhóm lợi ích”. 

Nghi phạm Hoàng Xuân Đức khi bị cơ quan công an bắt quả tang với hành vi cưỡng đoạt tài sản

Nghi phạm Hoàng Xuân Đức khi bị cơ quan công an bắt quả tang với hành vi cưỡng đoạt tài sản

Liên tiếp trong thời gian qua, có không ít nhà báo, cộng tác viên đã vướng vào vòng lao lý vì các hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản, đe dọa người khác…, gây ảnh hưởng đến uy tín của những người làm báo chân chính. 

Dính lao lý

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) đã khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phan Mạnh Chi (42 tuổi, ngụ thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Khi bị khởi tố, ông Chi là phóng viên Tạp chí Người cao tuổi tại tỉnh Quảng Bình; còn bị hại trong vụ án là ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa. Theo hồ sơ của cơ quan công an, dù là phóng viên của một tạp chí chuyên ngành của Hội Người cao tuổi Việt Nam, nhưng ông Chi lại thu thập tài liệu về đất đai liên quan tới ông Đinh Tiến Dũng và khi phát hiện một số vi phạm, ông Chi lại yêu cầu ông Dũng phải đưa 300 triệu đồng để không đăng bài phản ánh.

Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Ngọc Diệp (cựu nhà báo Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”. Mặc dù phiên tòa bị hoãn nhiều lần do khách quan, nhưng cáo trạng truy tố cho thấy, Diệp đã có hành vi cấu kết với Đinh Thị Vân để tìm kiếm các sai phạm của các doanh nghiệp (trong vụ án là Công ty TNHH Đông Y Xứ Mường) với mục đích “ép” ký hợp đồng truyền thông. Diệp dùng danh nghĩa Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập phát hành công văn nêu các sai phạm của doanh nghiệp, rồi liên tục dùng nội dung công văn nhắn tin đe dọa, gây sức ép đối với doanh nghiệp trên. Bên cạnh đó, Diệp và Vân còn dùng các bài viết đăng trên Tạp chí Thương trường, rồi yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền để gỡ bài. Cơ quan điều tra xác định, Diệp và Vân có hành vi cưỡng đoạt tài sản; trong đó Diệp giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu. 

Trước đó, ngày 22-4-2022, Tòa án nhân dân TP Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Vũ Thị Oanh (30 tuổi, cựu phóng viên Tạp chí Đời Sống Pháp Luật) và Nguyễn Thị Loan (34 tuổi, cựu phóng viên Tạp chí Kinh Doanh và Biên Mậu Việt Nam) mỗi người 4 năm tù giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Theo cáo trạng, chiều 27-8-2021, tại quán cà phê Tùng Lâm (TP Từ Sơn), Oanh và Loan có hành vi sử dụng hình ảnh của thẩm mỹ viện MB hoạt động chui trong thời gian TP Bắc Ninh giãn cách xã hội để đe dọa, ép buộc chủ cơ sở phải đưa cho Oanh và Loan 25 triệu đồng. Khi Oanh và Loan đang nhận tiền của chủ cơ sở thẩm mỹ MB thì bị công an bắt quả tang, thu giữ toàn bộ vật chứng.

Tinh vi và trắng trợn hơn là vụ đe dọa và tống tiền tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, sau khi điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 6 bị can, trong đó có 2 phóng viên của Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp về tội cưỡng đoạt tài sản của ông Hồ Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là giả danh doanh nghiệp đến phòng làm việc của các lãnh đạo UBND thị xã Nghi Sơn biếu tiền, quà, rồi lén quay video làm bằng chứng về việc “lãnh đạo nhận tiền của doanh nghiệp” để đe dọa, uy hiếp tống tiền, đòi 5 tỷ đồng.
Là luật sư bào chữa cho một số trường hợp phóng viên bị bắt về hành vi tống tiền, cưỡng đoạt tài sản, luật sư Hà Trọng Đại (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, chính sự phát triển của mạng xã hội khiến một số nhà báo có những nhìn nhận, hoạt động không đúng với lương tâm, đạo đức của người làm báo. Hiện nay nổi lên một số nhà báo thông qua mạng xã hội để nắm bắt thông tin cả tích cực và tiêu cực. Đối với thông tin tiêu cực (thông tin có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật), không ít phóng viên lợi dụng để xác định hành vi vi phạm và từ đó nảy ra ý thức chiếm đoạt. 

Tinh vi và trắng trợn

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc lợi dụng hoạt động báo chí để hạch sách các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị tổ chức và cá nhân nhằm mục đích trục lợi. Chia sẻ với phóng viên Báo SGGP, đại diện truyền thông một tập đoàn lớn cho biết, ngày nào họ cũng nhận được vài cú điện thoại xưng là phóng viên, nhà báo yêu cầu làm việc, cung cấp thông tin, hoạt động doanh nghiệp, trong đó có không ít cơ quan báo chí, tạp chí của hội này, hội kia không có chức năng phản ánh thông tin hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Giám đốc một doanh nghiệp cho biết thêm, khi doanh nghiệp của ông gặp một sự cố nhỏ về an toàn xây dựng, đã có hơn 10 người tự xưng là phóng viên gọi điện đề nghị làm việc, tìm hiểu hoạt động công ty. Một số người khác lại dọa rằng không làm hợp đồng quảng cáo thì “phang” bài. 

Đáng chú ý, một số lãnh đạo cấp xã, phường ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành chia sẻ: “Cao điểm, có tháng chúng tôi phải tiếp hàng chục đoàn phóng viên đến liên hệ công tác, trong đó nhiều phóng viên giới thiệu công tác tại tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Quá trình làm việc, những phóng viên, nhà báo ở những cơ quan này chỉ đặt nặng vấn đề viết bài truyền thông, ký kết hợp đồng quảng cáo, chứ không phải lấy thông tin tuyên truyền”. 

Nhà báo Ma Văn Chức, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang, cho biết, mặc dù chỉ là tỉnh vùng cao nhưng ở Tuyên Quang cũng có không ít trường hợp xưng phóng viên mà không có thẻ nhà báo, giấy giới thiệu, có hành vi vòi tiền doanh nghiệp. “Tôi cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do việc giao khoán tin bài, quảng cáo từ các cơ quan báo chí này tới phóng viên, áp lực đó sinh ra chuyện cưỡng đoạt tài sản…”, ông Chức nhìn nhận.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Luân, Trưởng phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở TT-TT tỉnh Hòa Bình, thực trạng trên không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, mà còn xảy ra ở các tỉnh và tỉnh Hòa Bình không là ngoại lệ. Theo ông Luân, tình trạng một số người tự xưng là phóng viên cơ quan báo chí, chủ yếu là tạp chí thuộc các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương diễn ra khá phổ biến. Bức xúc trước tình trạng này, vừa qua, đại diện cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã có đơn kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc, có biện pháp chấn chỉnh. 

PGS-TS Hà Huy Phượng, giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, đây là câu chuyện không hề mới mẻ, nhưng lại là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, danh dự nghề nghiệp của các nhà báo, cơ quan báo chí và cao hơn nữa là đối với nền báo chí cách mạng. Về nguyên nhân khách quan, đó là sự tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, đồng tiền đã trở thành yếu tố chi phối hoạt động nghề nghiệp của một số nhà báo. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa và sự bùng nổ truyền thông đã tạo ra một môi trường truyền thông hỗn hợp, là “mảnh đất” màu mỡ để một số cơ quan báo chí, truyền thông, phóng viên, cộng tác viên sẵn sàng vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp để đạt được mục đích kinh tế. 

Nguyên nhân chủ quan nằm ở chính công tác tuyển dụng nhân lực có phần dễ dãi của một số cơ quan báo chí. Với phương thức giao khoán định mức tin, bài kiêm làm hợp đồng quảng cáo, truyền thông, PR, vô hình trung đẩy các phóng viên, cộng tác viên chưa được đào tạo bài bản, thiếu bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp vào “đường đua” của việc kiếm nguồn thu cho cơ quan và cá nhân, dẫn đến vi phạm. Sự “dễ dãi” còn được thấy trong việc một số cơ quan báo chí buông lỏng quản lý, tự in và cấp “Thẻ phóng viên”, giấy giới thiệu cho phóng viên tạm tuyển, cộng tác viên để “hành nghề”.

Ngày 4-10, Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã bắt quả tang 3 người tự xưng phóng viên, đe dọa cưỡng đoạt tài sản. Khoảng 10 giờ 30 ngày 4-10, Hoàng Xuân Đức (57 tuổi, ở xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Thị Thu Thanh (49 tuổi, ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM) và Phạm Huyền Trang (39 tuổi, ở phường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM) đi ô tô đến xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú phát hiện có đơn vị đang thi công san lấp mặt bằng tại ấp 5, xã Đồng Tiến nên nảy sinh ý định cưỡng đoạt tài sản.

Nguyễn Thị Thu Thanh đến gặp anh L.T.Đ. (là tài xế múc đất tại công trình) và tự xưng mình là phóng viên. Thanh yêu cầu anh Đ. đưa tiền nếu không sẽ báo cơ quan chức năng xử lý việc san lấp trái phép và hẹn anh Đ. đến quán cơm tại ấp 3, xã Đồng Tiến. Khoảng 11 giờ 20, 3 đối tượng trên đến quán cơm và anh Đ. đã đưa cho Đức 1 cuốn sổ màu đen kẹp phong bì có số tiền 5 triệu đồng. Khi Đức vừa nhận tiền thì tổ công tác của Công an huyện Đồng Phú bắt quả tang. Hiện, cơ quan công an đang tạm giữ hình sự 3 người trên để làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Cũng liên quan tới hành vi trên, giữa tháng 9 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt quả tang Phùng Thanh Bình (Thư ký Tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống) đang nhận số tiền 200 triệu đồng của anh Hoàng Mạnh L., cán bộ Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ để xử lý gỡ bài đăng liên quan đến trường này trên trang Fanpage Báo chí Điều tra.

Các tin khác