Năm 2011, các NHTM đã bộc lộ điểm yếu, mạnh trong hoạt động kinh doanh trước những thử thách của thị trường cũng như các thay đổi của chính sách. Năm 2012, hệ thống NHTM tiếp tục đóng góp vai trò lớn cho những mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô. Do vậy, nhiều chuyên gia nhận định 2012 sẽ tiếp tục là một năm “gồng mình” của hệ thống NHTM.
Nỗi lo đầu ra
NHNN đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 dự kiến 15-17%, tổng phương tiện thanh toán tăng 14-16%. Những con số này nhỉnh hơn không đáng kể so với kết quả thực hiện năm 2011, cho thấy hệ thống NHTM vẫn khó “xông xênh” tăng trưởng tín dụng trong năm mới.
Một lãnh đạo NH Phương Đông (OCB) cho biết năm qua nhiều NH có tỷ lệ nợ xấu gia tăng đã phải hạn chế cho vay, tái cơ cấu hoạt động tín dụng.
Khi room tín dụng hạn hẹp các NHTM vẫn có cửa kiếm lợi nhuận lớn qua “găm” vốn cho vay trên thị trường liên NH. Cơ hội này có được bởi dự báo năm 2012 nguồn vốn của hệ thống NHTM vẫn tiếp tục căng thẳng. Thậm chí nếu năm 2012 NHNN chưa có những chế tài để bịt lỗ hổng của nghiệp vụ ủy thác đầu tư, cũng như lách “room” tín dụng qua công ty con “sân sau”, các NHTM vẫn có thể tăng trưởng lợi nhuận lớn. TS. LÊ ĐẠT CHÍ, |
Đặc biệt, cuối năm 2011 nhiều NHTM nhỏ “thấm đòn” về thanh khoản do nguồn sử dụng vốn bị mất cân đối, lấy vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, nhất là đổ vốn vào lĩnh vực phi sản xuất. Dự báo năm 2012 tình trạng này cũng chưa có nhiều khả quan.
Theo đó, nếu doanh nghiệp muốn vay ít nhất phải kỳ hạn 3-6 tháng, do người dân vẫn chuộng gửi kỳ hạn 1 tháng bởi lãi suất 1 năm và 1 tháng đều bằng nhau.
Hơn nữa, bản thân các NHTM không mặn mà trong huy động vốn kỳ hạn dài vì sợ rủi ro lãi suất khi NHNN hạ trần lãi suất huy động như đã đưa ra tín hiệu trước đó. Những điều này cho thấy cơ cấu huy động của NH thời gian tới vẫn chủ yếu là ngắn hạn 1-3 tháng, chưa kể nhiều NH sẽ thu hẹp cả vốn lưu động (3-6 tháng).
2012 cũng là năm khởi đầu lộ trình tái cơ cấu hoạt động của các NHTM. Về dài hạn mục tiêu này sẽ giúp hệ thống NH 3-5 năm sau phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, về ngắn hạn các NHTM sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Một lãnh đạo NH cổ phần cho rằng, khi trên thị trường có thông tin sáp nhập, cơ cấu lại hệ thống thì ngay những NH tốt, không bị sáp nhập cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Bởi khi đó người dân sẽ không quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ NH tốt hay không, mà chỉ quan tâm đến NH nào an toàn hơn. Với tiêu chí này, lợi thế thuộc về NH quốc doanh và NH nước ngoài. Những NH cổ phần sẽ khó khăn hơn trong huy động vốn.
Khi đã khó đầu vào thì đầu ra của NH cổ phần cũng khó theo. Chưa kể, trước thông tin lãi suất sẽ giảm trong năm 2012, người dân có tiền gửi tiết kiệm bắt đầu rút tiền gửi để mua vàng.
Rộng cửa lợi nhuận cho ông lớn
Một câu hỏi được đặt ra: Đầu ra tín dụng chưa có dấu hiệu khả quan trong năm 2012 cộng với áp lực lãi suất đang có xu hướng giảm, liệu năm 2012 các NHTM có thể đột phá trong tăng trưởng lợi nhuận?
Theo một lãnh đạo NH cổ phần, thực ra NH là trung gian tài chính nên lãi suất xuống hay lên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kiếm lợi nhuận của NH. Bởi với cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận, hiện nay các NHTM đều giữ biên lợi nhuận đủ bù đắp chi phí huy động vốn và có lời.
Nhân viên tín dụng tư vấn cho khách hàng. Ảnh: LÃ ANH |
Điều này thể hiện khi năm 2011 NHNN kéo giảm lãi suất huy động thực tế từ 19%/năm xuống 14%/năm trong thời gian khá dài, nhưng đến nay lãi suất cho vay của các NHTM áp dụng với khách hàng vẫn còn khá cao.
Doanh nghiệp ưu tiên được hưởng lãi suất 17,5-18%/năm phải đáp ứng những điều kiện như bán ngoại tệ cho NH, sử dụng dịch vụ NH… còn với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng cá nhân lãi suất phổ biến 20%/năm. Đó là lý do vì sao năm 2011 nhiều NHTM tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lợi nhuận vẫn rất cao.
Giữa năm 2011, NHNN đã có một đợt thanh tra, kiểm tra và khảo sát hoạt động ủy thác đầu tư của các NH, đồng thời tiến hành thanh tra các công ty con của các NHTM. Tuy nhiên đến cuối năm 2011 NHNN vẫn chưa có một hành lang pháp lý để chặn các cửa “lách” tín dụng trên.
Theo một lãnh đạo NH cổ phần, trước xu thế tái cơ cấu, nhu cầu minh bạch hóa hoạt động NHTM theo quy định của NHNN sẽ quyết liệt hơn.
Trong bối cảnh đó NHTM nhỏ sẽ không còn cửa kiếm lợi nhuận dễ dàng như trước đây, nhất là đối với những NHTM nhỏ năm qua gặp khó khăn về thanh khoản và đổ vốn quá nhiều vào các lĩnh vực phi sản xuất.
Trên thị trường tiền tệ, không loại trừ những NHTM lớn sẽ có sự đột phá nhờ vào các ưu thế khách quan lẫn chủ quan. Và đây là xu thế tất yếu của kinh tế thị trường mà hệ thống NHTM trong lộ trình tái cấu trúc không thể tránh khỏi.