
Cụ thể, theo thông báo Vietcombank, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh NH liên hệ và gửi thư điện tử thông báo ưu đãi hỗ trợ tiền cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đính kèm thư điện tử thường có đường link dẫn tới trang website giả mạo để thu thập thông tin cá nhân, dịch vụ NH điện tử với mục đích chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
HDBank cũng đề nghị khách hàng cảnh giác chiêu thức lừa đảo mới là giả danh nhân viên NH gọi điện thoại để tư vấn hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến đơn giản nhanh chóng hoặc yêu cầu đến NH đăng ký mở tài khoản và nạp tiền để xác minh năng lực tài chính.
Bên cạnh đó, đối tượng mạo danh còn yêu cầu khách hàng thực hiện các hình thức như soạn tin nhắn SMS, tải app, bấm vào link lạ nhằm đánh cắp mã giao dịch OTP và sử dụng mã OTP đánh cắp được thực hiện liên kết ngay tài khoản NH với các ví điện tử để giao dịch.
Theo BIDV, lợi dụng nhu cầu mua sắm online tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội tại nhiều địa phương, một số đối tượng đã tạo các trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam, có liên kết thanh toán trực tuyến với NH.
Trong đó, một số trang web giả mạo đã bị phát hiện như ebanking-shopee.vn, ibanking-shopee.vn, ibank-shopee.vn, ebankingshopee.vn, ibankingshopee.vn, mobilebanking-shopee.vn, shopeemobilebanking.vn… Kẻ gian gửi đường dẫn truy cập website lừa đảo qua tin nhắn SMS, email hoặc gọi điện trực tiếp để dụ dỗ khách hàng giao dịch trên trang giả.
Một hình thức lừa đảo nữa được BIDV đề cập là kẻ gian giả mạo và chiếm đoạt tài khoản Facebook của khách hàng, đồng thời nhờ người có tên trùng với nạn nhân mở tài khoản NH. Sau đó, đối tượng liên hệ với người trong danh bạ của nạn nhân (dữ liệu có thể đánh cắp hoặc mua bất hợp pháp) để hỏi vay tiền. Vì số tài khoản và tên chủ tài khoản giống với tên của người bị mạo danh khiến nhiều người tin tưởng và chuyển tiền.
Agribank cũng khuyến cáo đến khách hàng cảnh giác để đề phòng rủi ro, tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo thông qua 6 hình thức như mạo danh nhân viên NH, mạo danh thương hiệu NH, lừa gạt đánh cắp dữ liệu cá nhân, lợi dụng tình huống khẩn cấp để lừa đảo, lừa gạt yêu cầu chi phí trả trước, lừa gạt mua/bán hàng trên internet.
Trước đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) đã có cảnh báo một số trang web đã lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine COVID-19 và lừa tiền cứu trợ. Trong đó, có 2 tên miền chính đang được các đối tượng lợi dụng như sau: honapply.vn và miniboon.vn.
Website có giao diện giả mạo Bộ Y tế này thông báo chào mời người truy cập đăng ký tiêm chủng, thông qua một banner lớn hiện trên màn hình. Khi bấm vào nút đăng ký, người dùng được chuyển hướng sang một website khác với tên miền khác.
Tại đây, người dùng được yêu cầu nhập các thông tin cá nhân như họ tên, số CMND, số điện thoại, và đặc biệt là tên và mật khẩu Internet Banking của NH. Nếu người dùng nhập các thông tin này, họ sẽ đứng trước nguy cơ bị hacker đánh cắp tài khoản NH và gây thất thoát tài sản. Ngay khi phát hiện các trang web này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trung tâm NCSC đã phối hợp xử lý để gỡ bỏ.
Với tình trạng giả mạo ngày càng gia tăng, các NH khuyến cáo, để đảm bảo an toàn thông tin và tài khoản, khách hàng nên kiểm tra kỹ địa chỉ hòm thư gửi thư. Không truy cập vào đường dẫn của các diễn đàn, website, trang mạng xã hội mạo danh thương hiệu NH.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ NH số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ, thông tin cá nhân nào khác. Không soạn/chuyển tiếp tin nhắn SMS đến một số thuê bao lạ. Không tải/đăng nhập thông tin NH trên các ứng dụng lạ.
Nếu nhận được các tin nhắn giả mạo hay nghi ngờ giả mạo, khách hàng có thể liên hệ với NH qua số hotline hoặc điểm giao dịch gần nhất để được trợ giúp.