Ngân sách quốc phòng cao kỷ lục, Mỹ 'đổ' tiền vào những vũ khí gì?

Bản đề xuất ngân sách quốc phòng kỷ lục lên tới 842 tỷ USD sẽ giúp Mỹ trang bị thêm tên lửa, hệ thống phòng thủ, và tiêm kích tối tân.

Hôm 13/3, ông Michael McCord, Giám đốc tài chính của Lầu Năm Góc, dự báo với xu hướng hiện nay, chi tiêu quốc phòng hàng năm của Mỹ có thể sẽ vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD trước 5 năm tới.

Ông McCord cho rằng, dù con số 842 tỷ USD có vẻ cao ngoài sức tưởng tượng, nhưng nó chỉ chiếm khoảng 3% GDP của Mỹ. Còn trong Thế chiến thứ Hai, Mỹ đã chi khoảng 1/3 GDP cho lĩnh vực quốc phòng.

Trực thăng Black Hawk chuyển hàng sang tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Eurasian Times

Khoản đề xuất chi tiêu quốc phòng 842 tỷ USD cho năm tài khóa 2024 của Mỹ được dùng để đáp ứng chi phí trang bị thêm vũ khí hiện đại, giải quyết những lỗ hổng mà xung đột ở Ukraine đã phơi bày đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, cũng như đối phó với những mối đe dọa chiến lược mà Mỹ nhận thấy từ phía Trung Quốc như kho vũ khí hạt nhân, vũ khí siêu thanh và ưu thế trên vũ trụ.

AP đưa tin trong khi chi phí cho nhân sự và hoạt động vẫn chiếm phần lớn nhất trong ngân sách quốc phòng hàng năm của Mỹ, nhưng Thứ trưởng Quốc phòng Kathleen Hicks cho hay đề xuất của năm nay đã yêu cầu riêng "ngân sách mua sắm" để Lầu Năm Góc tăng cường mua các hệ thống vũ khí hiện đại.

Cụ thể, yêu cầu của Lầu Năm Góc bao gồm khoản đầu tư kỷ lục vào các công nghệ mới được gọi là phân bổ nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá với tổng trị giá 145 tỷ USD. Song theo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, ngân sách đề xuất sẽ phân bổ thêm 170 tỷ USD cho hoạt động mua sắm, và đây là con số kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ.

Những vũ khí ưu tiên

Một trong những ưu tiên mới lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ là tăng tốc độ sản xuất đạn dược. Và xung đột ở Ukraine cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ "chưa đủ tầm".

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng đang yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp 30 tỷ USD để sản xuất thêm tên lửa. Nhưng theo ông McCord, chúng "không phải là loại tên lửa chủ chốt dùng trong xung đột ở Ukraine, mà là chìa khóa để răn đe tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” bao gồm các tên lửa không đối không tiên tiến, tên lửa chống hạm và tên lửa tầm xa.

Mỹ muốn trang bị thêm các vũ khí hiện đại để tăng khả năng đối phó với Trung Quốc. Ảnh: AP

Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng đang tìm cách hiện đại hóa nhanh chóng vũ khí hạt nhân với khoản đề xuất 38 tỷ USD để mua tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, triển khai máy bay ném bom tàng hình B-21 mới, và sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất thế hệ mới.

Bên cạnh đó, Mỹ sẽ tài trợ cho nghiên cứu và thử nghiệm một loại máy bay chiến đấu mới được gọi là “Sự thống trị trên không thế hệ tiếp theo”, với sự ra đời của loại máy bay chiến đấu hiện đại chỉ huy các máy bay không người lái (UAV) đi cùng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, Không quân Mỹ không tiết lộ thông tin về 1.000 chiếc UAV mà họ gọi là "máy bay chiến đấu hợp lực".

Cũng theo ông McCord, đề xuất ngân sách quốc phòng còn bao gồm "khoản chi dành cho cuộc chiến trong không gian lớn nhất từ trước đến nay", sau khi Mỹ rút ra được bài học từ xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang tìm kiếm 33 tỷ USD để nâng cấp mạng lưới thông tin liên lạc vệ tinh nhằm hỗ trợ phát hiện, theo dõi và phòng thủ chống lại các tên lửa siêu thanh mới từ Trung Quốc và Nga.

Lầu Năm Góc còn mong muốn có khoảng 90 triệu USD để bổ sung khả năng phát hiện tốt hơn các vật thể như khinh khí cầu bị cáo buộc là thiết bị do thám của Trung Quốc từng xuất hiện trong không phận Mỹ hồi tháng Hai.

Cũng trong ngày 13/3, Bộ trưởng Austin cho biết ngân sách sẽ cho phép Mỹ thực hiện “các khoản đầu tư lớn” để “duy trì” lợi thế quân sự so với Trung Quốc. Ông Austin xác định các lĩnh vực như bao gồm “hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp và hiệu quả năng lượng vận hành”, cũng như duy trì “sự thống trị trên không, trên biển, cùng các loại vũ khí bao gồm vũ khí siêu thanh".

Trên thực tế, Bắc Kinh đã sở hữu tên lửa siêu thanh có tốc độ di chuyển nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, Washington vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển công nghệ này. Trung Quốc cũng có lợi thế về số lượng tàu chiến là 335 chiếc, so với 305 chiếc của Mỹ.

Các tin khác