Ngành cá tra rất cần nguồn lực cộng đồng

Nguồn: Internet
Nguồn: Internet 

 Nguồn: Internet

Sự phát triển của cá tra Việt Nam đang bộc lộ nhiều điều thiếu và yếu. Dù phát triển vượt bậc, xuất khẩu đến 136 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch khoảng 1,4 tỷ USD trong năm 2010 và kiểm soát đến 95% thị trường cá fillet thịt trắng trên thế giới nhưng cá tra Việt Nam đã liên tiếp gặp phải nhiều chiến dịch bôi nhọ chất lượng, an toàn vệ sinh.

Hiện nay, dù có rất nhiều DN được hưởng thuế suất 0% nhưng đó là mức thuế cho 2 năm trước, còn hiện tại, các DN vẫn phải chi hàng triệu USD để tiếp tục kháng kiện bán phá giá của Hoa Kỳ. Trong khi đó, đến nay, mới chỉ có 49 công ty, chiếm 45% tổng số các công ty cá thực hiện GlobalGAP và chuỗi liên kết trong ngành chủ yếu chỉ là chuỗi liên kết của DN, chưa có sự liên kết giữa các DN với nhau.

Nghề cá tra còn phát triển được như hiện nay là nhờ vào chuỗi liên kết trong DN, tuy nhiên, giữa các DN vẫn còn tính chất cạnh tranh với nhau nên vẫn chưa thể phát triển bền vững.

Sự biến động đột ngột của giá nguyên liệu cá tra ở nhiều thời điểm cũng như sự giảm giá của mặt hàng này trên thị trường xuất khẩu là những dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy sự bất ổn của cấu trúc ngành. Việc DN chủ động hạ giá bán để cạnh tranh tạo nên mặt bằng giá ngày càng thấp làm cho lợi nhuận giảm mạnh, triệt tiêu động lực sản xuất của ngành.

Sự bất ổn nội tại đó đã dẫn đến hiện tượng nông dân bỏ ao khi giá thấp, kéo theo tình trạng nhà máy thiếu nguyên liệu vào cuối năm 2010 và đến đầu 2011 tình hình thiếu nguyên liệu sản xuất càng trở nên trầm trọng dù giá cá tra nguyên liệu lên đến 28.000 đồng/kg.

Trong thời gian qua, mặt hàng cá tra Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các DN cũng đã có những nỗ lực để cải thiện sự tăng trưởng, tuy nhiên, trước mắt, vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng chưa được thực hiện như việc phân tích nghiên cứu, phát triển các thị trường chủ yếu, xây dựng thương hiệu chung và cùng truyền thông đến người tiêu dùng để tác động, thay đổi thói quen tiêu dùng.

Việt Nam cũng chưa có biện pháp chủ động để đối phó với các chiến dịch bôi nhọ tại các thị trường tiêu thụ. Ngành thủy sản nói chung và mặt hàng cá tra nói riêng thực sự rất cần có nguồn lực cộng đồng để giúp đỡ nhau, chia sẻ thông tin, vạch ra hướng phát triển trong những năm tới, thậm chí nếu làm được điều này chúng ta có thể chi phối được giá bán.

Mặt hàng cá tra đang rất cần sự hỗ trợ về chính sách từ phía Nhà nước nhưng những chính sách này phải thật thiết thực.

Một vấn đề nữa là các nhà hoạch định chính sách cần phải nghiên cứu chính sách để hỗ trợ ngành thủy sản đưa đến nhà nhập khẩu những thông điệp về sản phẩm tiêu dùng an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế để họ thấy yên tâm.

Điều kiện của sản xuất cá tra là vấn đề nuôi trồng, quản lý sản lượng, khi quản lý được sản lượng sẽ có số liệu thống kê rõ ràng thừa bao nhiêu, thiếu bao nhiêu để vạch ra chiến lược phát triển cho năm sau và những năm kế tiếp.

Song, để làm được điều này, không chỉ cần chính sách mà chính sách cũng phải mang tính đồng bộ cho cả chuỗi cung ứng bao gồm con giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến xuất khẩu… từ đó tạo ra sự đồng thuận cho các DN trong ngành hướng đến phát triển ngành ngày càng bền vững.

Các tin khác