Ngành dược còn nhiều dư địa tăng trưởng

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, ngành dược vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Bởi lẽ khi người dân ngày càng gia tăng chi tiêu cho các sản phẩm dược phẩm, ngành dược được đánh giá có nhiều dư địa tăng trưởng.

Bên trong phòng Lab nhà máy sản xuất thuốc đạt chất lượng EU-GMP của Imexpharm.
Bên trong phòng Lab nhà máy sản xuất thuốc đạt chất lượng EU-GMP của Imexpharm.

Xung quanh nội dung này, ĐTTC đã có cuộc trò chuyện cùng ông NGUYỄN THẾ MINH, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, và ông NGUYỄN AN DUY, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối tài chính CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP).

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, là một chuyên gia theo dõi mảng dược phẩm, ông có thể phân tích hiện trạng ngành dược cũng như đánh giá những động lực tăng trưởng cho toàn ngành trong năm 2024 cũng như thời gian tới?

Ông NGUYỄN THẾ MINH: - Nói về hiện trạng của ngành dược có thể thấy mấy vấn đề. Thứ nhất, nếu như năm 2022 ngành dược gặp rủi ro về chuỗi cung ứng, bước qua năm 2023 toàn ngành đã khả quan hơn rất nhiều khi đạt mức tăng trưởng 10% so với năm trước.

Thứ hai, vấn đề nguyên liệu đầu vào, hiện ngành dược vẫn phụ thuộc gần 90% nhập khẩu, trong đó khoảng 70% nhập từ Trung Quốc, hơn 15% nhập từ Ấn Độ.

Thứ ba, về các tiêu chuẩn của nhà máy, theo thống kê Việt Nam có khoảng 290 nhà sản xuất, nhưng chỉ có 228 nhà máy đủ tiêu chuẩn của WHO. Còn nếu đi sâu hơn nữa vào các tiêu chuẩn của EU hay Nhật Bản, chúng ta mới chỉ có khoảng 18 nhà máy đạt tiêu chuẩn này, một con số còn rất khiêm tốn, nên ngành dược sẽ bị hạn chế khi lấn sân vào các thị trường khó tính.

Ông-NGUYỄN-THẾ-MINH..jpg

Về động lực tăng trưởng trong năm 2024, đầu tiên đến từ bối cảnh chung là sự hồi phục của nền kinh tế, và tôi dự đoán tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành dược sẽ ở mức 5,5%. Mức này có phần chậm hơn 2023 do mức nền của 2023 khá tốt, nhưng đây vẫn là con số tăng trưởng dương.

Bên cạnh đó, điều kiện thuận lợi của nhóm cổ phiếu (CP) ngành dược là “đòn bẩy” ở mức thấp, nên tránh áp lực rủi ro về lãi suất. Với những doanh nghiệp (DN) tập trung vào kênh ETC (kênh đấu thầu tại cơ sở và bệnh viện), sẽ đón nhiều thuận lợi khi chúng ta đã thông qua Luật Đấu thầu. Đặc biệt, những DN có đầu tư và chuẩn bị sẵn sàng các dây chuyền sản xuất theo chuẩn EU hay Nhật Bản, cơ hội tăng trưởng sẽ rất mạnh mẽ.

- Được biết, IMP là một trong những DN tiên phong đầu tư công nghệ theo chuẩn EU-GMP. Vậy xin ông Duy có thể chia sẻ những thành tựu công ty gặt hái được nhờ hướng đi này?

Ông NGUYỄN AN DUY: - Trong bối cảnh cạnh tranh của ngành dược rất khốc liệt, đòi hỏi chúng tôi phải đi đầu về chất lượng. Đây là lý do chúng tôi quyết định đầu tư công nghệ sản xuất theo chuẩn EU-GMP. Tính đến nay, IMP sở hữu 3 cụm nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP (IMP2, IMP3, IMP4) với 11 dây chuyền EU-GMP hiện đại.

Ông-NGUYỄN-AN-DUY.jpg

Ngoài ra, công ty còn sở hữu cụm nhà máy IMP1, với tỷ trọng doanh thu năm 2023 tiếp tục đóng góp cao nhất vào tổng doanh thu ở mức 50%. Trong khi đó, nhà máy IMP3 đóng góp 32% vào tổng doanh thu nhờ sản xuất các loại thuốc tiêm giá trị cao.

Đặc biệt, IMP4 trong năm đầu tiên hoạt động đã đóng góp 80 tỷ đồng vào tổng doanh thu, đây là một kết quả rất đáng khích lệ. Với những nỗ lực khẳng định chất lượng như vậy, IMP đã tham gia được những gói thầu khó như nhóm 1, nhóm 2 để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

- Một vấn đề được nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm là CP ngành dược. Vậy vì sao ngành dược được đánh giá tiềm năng nhưng CP lại chưa được các NĐT trong nước quan tâm, họ thường coi CP dược là CP phòng thủ?

Ông NGUYỄN THẾ MINH: - Theo tôi có 2 nguyên nhân. Đầu tiên là quy mô vốn hóa của nhóm CP ngành dược còn thấp, nên chưa trở thành sự lựa chọn phổ biến của các NĐT.

Thứ hai, lượng CP trôi nổi hiện nay của nhóm ngành dược còn ít. Như chúng ta thấy, ngoại trừ tỷ lệ sở hữu của các NĐT tổ chức hay các cổ đông lớn, số lượng CP trôi nổi ngoài thị trường khá ít, nên NĐT không có nhiều sự lựa chọn vào nhóm CP này.

Thêm nữa đặc điểm của nhóm CP ngành dược là chi trả cổ tức đều. Nếu nhìn những CP đặc thù tỷ lệ chi trả cổ tức cao, NĐT mua sẽ có phong cách nắm giữ không lướt sóng. Nó phù hợp với những NĐT có khẩu vị rủi ro thấp, mua tích trữ tài sản trong tương lai. Những nguyên nhân này khiến CP ngành dược có đặc thù thanh khoản thấp và thường có tính phòng thủ.

- Vậy theo ông Duy mức giá hiện tại của CP dược có phản ánh đúng thực tế chưa, ông nhận định ra sao về giá trong thời gian tới. Ông có thể chia sẻ thêm kết quả kinh doanh của IMP để NĐT có thêm niềm tin?

Ông NGUYỄN AN DUY: - Tôi đồng tình với anh Minh, CP dược có tính thanh khoản thấp nên còn ảnh hưởng đến giá của các công ty trong ngành. Riêng IMP sắp tới, chúng tôi sẽ có những kế hoạch tiếp xúc NĐT nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn để NĐT có thể hiểu hơn về công ty cũng như tăng tính thanh khoản cho CP IMP.

Về kết quả kinh doanh năm 2023, doanh thu thuần đạt 1.994 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với mức tăng chung của toàn ngành khoảng 8%. Đồng thời, lợi nhuận trước thuế đạt 377,3 tỷ đồng, tăng 30% và vượt 8% so với kế hoạch. Cả doanh thu và lợi nhuận đều ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục từ trước đến nay.

Tôi cũng xin chia sẻ thêm về tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2019-2023, lần lượt là 13,6% và 16,5%. CAGR của EBITDA trong 5 năm qua đạt 17,5%, trong khi CAGR của vốn chủ sở hữu đạt 7,5% và CAGR của tổng tài sản đạt 6,7% cùng kỳ.

- Thời gian gần đây có nhiều quỹ đầu tư ngoại rót vốn vào DN dược, liệu đây có phải là cơ hội cho các DN hay không?

Ông NGUYỄN THẾ MINH: - Tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài chiếm tỷ lệ cao trong nhóm CP ngành dược theo tôi là ưu thế. Đầu tiên họ sẽ giúp DN trong nước tăng tính minh bạch. Đặc thù của DN Việt Nam, khi tỷ lệ sở hữu của NĐT cá nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn nhất sẽ có quyền chi phối, như vậy rủi ro cao.

Tuy nhiên với CP ngành dược, tính minh bạch luôn được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra khi có các quỹ đầu tư ngoại họ sẽ giúp DN đi theo mô hình ESG tốt hơn, và tiếp cận với những nguồn vốn xanh với lãi suất ưu đãi. Các NĐT nước ngoài cũng giúp các DN hoàn thiện mô hình quản trị, sản xuất tạo thêm kênh phân phối, nhất là kênh xuất khẩu.

- Vậy theo ông Duy, sự có mặt của cổ đông lớn SK Investment Vina III Pte Ltd, đã giúp IMP gia tăng được những lợi thế gì?

Ông NGUYỄN AN DUY: - Đúng là khi NĐT nước ngoài vào họ đem đến tính minh bạch, đem công nghệ cũng như kỹ thuật mới cho DN Việt Nam. Riêng với IMP thì SK Investment thúc đẩy sự thay đổi về quản trị rất mạnh mẽ, thay đổi cơ cấu tổ chức giúp công ty minh bạch hơn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, thông qua kênh của SK Investment, IMP đã hợp tác được với các đối tác nước ngoài lớn để sản xuất những sản phẩm dược phẩm có chất lượng tốt hơn. Cụ thể, IMP đã ký hợp tác với Genoune (Hàn Quốc) để sản xuất biệt dược. Tôi nghĩ với sự giúp sức của đối tác nước ngoài, IMP sẽ ngày càng lớn mạnh.

- Xin cảm ơn hai ông.

Các tin khác