Một thời đau thương
Quần đảo Thổ Chu nằm ở địa đầu Tây Nam của nước ta, cách Mũi Cà Mau khoảng 160km về phía Tây Bắc và cách TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) khoảng 220km.
Tháng 4-1975, lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng Hòa đứng chân trên quần đảo Thổ Chu tháo chạy. Ngày 10-5-1975, lợi dụng quần đảo Thổ Chu đang trong tình thế không được lực lượng vũ trang bảo vệ, quân Khmer Đỏ tiến chiếm, bắt đi và sát hại toàn bộ hơn 500 người dân vô tội đang sinh sống trên đảo.
Đêm 22, rạng sáng 23-5-1975, các lực lượng phối hợp, gồm: Tiểu đoàn 410, Trung đoàn 195, Quân khu 9, đại đội địa phương huyện Phú Quốc và 2 đội đặc công nước của Quân chủng Hải quân do Đại úy Trịnh Khắc Thuyết chỉ huy đã tấn công giải phóng quần đảo Thổ Chu. Ngày 27-5-1975, 2 trung đội địch cuối cùng đóng ở Hòn Từ buông súng đầu hàng.
Vậy là gần 1 tháng sau ngày Sài Gòn giải phóng, quần đảo Thổ Chu mới được về với vòng tay đất mẹ, là nơi được giải phóng muộn nhất ở Tây Nam. Máu và thật nhiều nước mắt thấm đẫm đảo xa…
Tháng 4-1992, người dân mới bắt đầu quay lại sinh sống trên đảo Thổ Chu. Những ngày đầu thiếu thốn đủ bề, bà con đã được các chiến sĩ hải quân mở rộng vòng tay. Tiểu đoàn 561 hỗ trợ mọi người ổn định chỗ ở, bố trí cán bộ, chiến sĩ dạy học cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 4.
Thổ Chu hồi sinh
Không biết có phải chỉ là ngẫu nhiên, cũng vào một ngày tháng 4 cách đây 31 năm, ngày 24-4-1993, xã đảo Thổ Châu có quyết định thành lập. Vẫn lại là Tiểu đoàn 561 Quân chủng Hải quân và các đơn vị khác tiếp tục hỗ trợ cấp ủy, chính quyền địa phương vừa được thành lập đảm bảo hoạt động ổn định đến hôm nay.
Thời gian đầu, các gia đình được chu cấp lương thực, thực phẩm; được bộ đội giúp dựng lều lán, nhà cửa, đóng ghe, thuyền để khai thác hải sản. Khi bệnh, họ được cán bộ trạm xá quân - dân y khám, cấp phát thuốc miễn phí. Trường hợp bệnh nặng, tàu hải quân và bộ đội biên phòng chở vào đất liền chữa trị…
Lễ tưởng niệm ở đền Thổ Chu
Năm 2011, một ngôi đền mang tên Thổ Châu được xây dựng trên đảo Thổ Chu. Ngôi đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cán bộ, chiến sĩ hy sinh; đồng thời là nơi tưởng niệm hơn 500 người dân vô tội bị Khmer Đỏ giết hại.
Tính đến đầu năm 2024, toàn đảo đã có hơn 800 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu. Đời sống đã khấm khá hơn; nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, phần lớn đều có nhà ở kiên cố. Những đổi thay đáng mừng ấy có sự chung tay, góp sức của các đơn vị đứng chân trên đảo, từ trạm Ra-đa 610, Trung đoàn 152, Đồn Biên phòng Thổ Châu, trạm hải đăng và đài khí tượng thủy văn…
Không chỉ triển khai tốt công tác dân vận, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các đơn vị tiền tiêu còn đẩy mạnh thực hiện các chương trình giao lưu, kết nghĩa, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, là điểm tựa vững chắc cho nhân dân yên tâm “bám rễ xanh cây” với đảo.
Một vài năm gần đây, những người yêu thích du lịch sinh thái, gần gũi với thiên nhiên đã bắt đầu tìm đến Thổ Chu. Sẽ không có một kỳ nghỉ dưỡng nhàn nhã bên bờ biển với đầy đủ dịch vụ chăm sóc tận… răng. Nhưng, là người yêu biển đảo, thích tìm hiểu về lịch sử, yêu những khoảnh khắc yên tĩnh suy tưởng ở nơi đầu sóng ngọn gió thì Thổ Chu hẳn là địa chỉ dành cho bạn.
Ở đây chưa có những khách sạn to đẹp, đầy đủ tiện nghi, nhưng cũng đã bắt đầu có những hộ dân “kinh doanh du lịch” bằng việc mở nhà trọ, cho thuê xe máy… bổ sung nguồn thu nhập. Tất nhiên, do vị trí địa lý cách trở, số chuyến tàu khách ra đảo còn chưa nhiều nên vẫn còn rất nhiều việc phải làm để du lịch trở thành một ngành nghề kinh tế thực sự.
Dù không bao giờ quên, nhưng cơn bão trong những vành tang trắng năm xưa ở Thổ Chu đã thực sự tan rồi! Và ngày mới, nắng lên, rọi chiếu những ánh vàng lóng lánh trên những bãi cát trắng trải dài ở vùng địa đầu Tây Nam của Tổ quốc.