1. Đêm giao thừa, tiết trời Hà Nội se lạnh, đường phố vắng vẻ, khác xa đêm giao thừa những năm trước. Không còn cảnh người dân đổ dồn về Hồ Gươm và các điểm ngắm pháo hoa. Một số chùa thay vì mở cửa suốt đêm giao thừa thì năm nay chỉ mở cửa vào sáng mùng 1 Tết. Song điều ấy cũng không khiến các bà, các mẹ cảm thấy phiền lòng bởi lúc này điều quan trọng nhất là sức khỏe, bình an.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, giao thừa với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến luôn là thời khắc cực kỳ đặc biệt bởi sự chuyển giao giữa năm cũ - mới và năm nay tết lại đặc biệt hơn cả bởi ý nghĩa của sự bình an. Đón giao thừa năm nay, ông cũng như nhiều gia đình Hà Nội xưa vẫn duy trì thói quen đi lễ chùa, lễ đình làng giống như nhiều năm trước, song ai cũng đều có ý thức thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế. Là người hoài cổ, song nhà văn người Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với việc tạm dừng không tổ chức các hoạt động lễ hội đông người. Ông nói: “Việc đóng cửa các di tích, tạm dừng không tổ chức các lễ hội xuân… rõ ràng làm cho không khí đón xuân có khác đi. Song tương lai là tương lai chung, trong dịch bệnh không có tương lai, hạnh phúc của riêng ai, vì thế việc mọi người cũng giống như tôi đều vui vẻ thực hiện và thích ứng”.
2. Năm qua, dải đất miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và bão lũ, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phải tạm hoãn trong dịp Tết Tân Sửu 2021. Tuy nhiên, một số địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam cũng như các điểm du lịch sinh thái không bị ảnh hưởng dịch bệnh, được du khách tìm đến tham quan trải nghiệm cũng như giao lưu văn hóa trong dịp tết này.
Những ngày tết, tại các làng văn hóa Tà làng, Pơr ning, Đỉnh Quế, điểm du lịch sinh thái Lộc Trời, hàng trăm lượt du khách đến vui chơi, cắm trại và tham gia các chương trình giao lưu văn hóa cũng như tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống tại đây. Anh Nguyễn Tuấn Anh (TP Đà Nẵng) đưa cả gia đình lên miền núi Tây Giang vui chơi những ngày tết, cũng là để tìm hiểu văn hóa nơi đây. “Đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang có rất nhiều đặc sản, nhất là những món như cơm lam, thịt gác bếp, za zá, bánh sừng trâu… Không đơn thuần là ẩm thực, những món ăn này còn gửi gắm ước vọng ấm no trong những ngày đầu năm mới”, anh Tuấn Anh khoe những trải nghiệm của mình và gia đình trong những ngày tết đến với đồng bào miền núi Tây Giang.
Cũng ở dải đất miền Trung, Hội bài chòi đầu xuân Tân Sửu ở nhà trưng bày nông cụ, bên di tích cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) dù vắng khách quốc tế nhưng không vì thế không khí nơi đây bớt đi tiếng cười nói của người dân và du khách thập phương. Chị Nguyễn Thị Hoa (từ TPHCM về quê ăn tết) tham gia hội bài chòi chia sẻ, nét độc đáo của bài chòi là những câu vè, điệu hò gần gũi của người rao bài (do những bậc cao niên trong làng đảm nhận) từ những câu ca dao xưa hoặc tự phóng tác, sáng tác như: Không ngon cũng bánh lá gai - Dù anh có dại cũng trai học trò; Đi mô cắp tráp đi hoài - Cử nhân không phải, tú tài cũng không; Vai mang bị bạc kè kè - Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm; Ra đi mẹ đã dặn rồi, khi mô có gánh nước thì nhớ súc ghè cả con quăn...
Ông Nguyễn Mậu Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Thủy Thanh, cho biết: “Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi - di sản văn hóa phi vật thể thế giới, hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật bài chòi trên địa bàn Thừa Thiên - Huế, địa phương còn tiến tới đưa di sản bài chòi vào giới thiệu trong trường học, làm cơ sở lan tỏa nghệ thuật bài chòi đến các thế hệ kế cận”.
3. Chiều 10-2 (29 tháng Chạp), Sở Công thương TPHCM có công văn gửi các cơ quan truyền thông báo, đài đề nghị thông tin, vận động và khuyến khích người dân trên địa bàn TP tăng cường mua hoa nhằm chia sẻ khó khăn cùng nông dân và người kinh doanh hoa tại các chợ hoa và điểm kinh doanh hoa ở các quận, huyện trên địa bàn.
Khác hẳn với câu chuyện buồn về hoa vào ngày 30 Tết của vài năm trước, khi người bán đập bỏ hàng loạt chậu hoa lớn nhỏ trước khi dọn hàng, không khí chợ hoa trưa 30 Tết năm nay không quá nhộn nhịp nhưng lượng khách mua hoa khá đông. Chất lên xe chậu mai cỡ trung, anh Hoàng Thành (40 tuổi, ngụ quận 3) cho biết: “Tết ai cũng muốn về nhà sớm, mà lúc tình hình đang dịch bệnh nữa thì người ta càng muốn về nhà nhanh hơn. Lúc này, một chậu hoa dù lớn hay nhỏ cũng là cách mình chung tay cùng xã hội, giúp nhau có một cái tết an vui”.
Chiều 30 Tết, chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” (quận 8) vãn bớt khách lẫn ghe. Nhiều chủ ghe ở đây cho biết, lượng hoa kiểng bán ra không bằng mọi năm nhưng tình hình buôn bán cũng khả quan. Còn vài chậu mai cuối, chú Nguyễn Văn Tròn (55 tuổi, ngụ huyện Chợ Lách, Bến Tre) cho hay: “Năm nay bán ít hơn mọi năm nhưng cũng được chứ không đến nỗi lỗ lã. Thôi kệ, ảnh hưởng dịch mà được vầy thì cũng coi như tốt rồi. Hy vọng năm sau lên ghe, buôn bán ngon lành hơn”.
Không khí tết dù rộn rã hay không thì hoa kiểng vẫn luôn là một phần hương sắc mùa xuân. Chung tay chia sẻ cùng bà con tiểu thương tại các chợ, điểm bán hoa là một nét văn hóa đậm nghĩa tình của người Nam bộ.
Tại TPHCM, tết năm nay khá đặc biệt, khi nhiều gia đình lựa chọn vui xuân theo cách riêng của mình như lên lịch tham quan TP bằng xe buýt tầng hoặc ngắm TPHCM về đêm trên thuyền chạy dọc sông Sài Gòn… Trong đó phải kể đến hoạt động của tuyến xe buýt 2 tầng tham quan TPHCM, đưa khách tham quan qua 24 tuyến đường, giúp khách tiếp cận khoảng 30 điểm tham quan thú vị như Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Hội trường Thống Nhất… |