Luôn là ngành “hot”
Hiện nay, trên cả nước có 3 cơ sở đào tạo báo chí chính quy là Trường Đại học (ĐH) KHXH-NV Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Báo chí - Tuyên truyền (Hà Nội), Trường ĐH KHXH-NV TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM). Ngoài ra còn có rất nhiều cơ sở đào tạo khác cũng như các lớp đào tạo văn bằng 2, đại học tại chức.
Tháng 5-2021, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) công bố số liệu tổng hợp nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào các ngành nghề của năm, cho thấy báo chí tiếp tục là một trong những ngành học có sức hấp dẫn hàng đầu.
Theo Th.S Phạm Duy Phúc, Phó Trưởng khoa Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, trong lịch sử tuyển sinh của trường hơn 20 năm qua, ngành báo chí luôn là ngành “hot” nhất với mức điểm trúng tuyển “cao chót vót” trong số các ngành có điểm chuẩn cao nhất trường.
Cũng theo thầy Duy Phúc, công nghệ truyền thông đặt ra cho những người làm báo, các cơ quan báo chí nhiều cơ hội và thách thức; do đó, chương trình đào tạo báo chí của khoa liên tục được điều chỉnh, cập nhật theo định kỳ 2 năm/lần từ hơn 10 năm qua để người học có thể thích ứng.
Về lý do chọn ngành báo chí, Nguyễn Lê Hải Yến, sinh viên năm 3 Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, nói rằng khi lựa chọn học chưa suy nghĩ gì nhiều. Hải Yến bày tỏ: “Trong mắt em, nghề báo rất đặc biệt. Khi đã được học và trải nghiệm làm phóng viên, em thấy nghề này luôn mang đến những điều mới mẻ”.
Còn Nguyễn Hoàng Nguyên, sinh viên năm nhất Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH-NV TPHCM, cho biết: “Em nghe nói thường chỉ khoảng 10% sinh viên báo chí ra trường theo đuổi được nghề báo vì nghề này đòi hỏi phải có sự bền bỉ, quyết tâm. Không biết sau này ai trong lứa tụi em sẽ theo đuổi được nghề báo, nhưng hiện tại tụi em học tập bằng tất cả đam mê”.
Không phải nghề làm… sang
Hiện nay, rất nhiều cơ quan báo chí tổ chức tuyển chọn phóng viên, ưu tiên người trẻ; bởi người trẻ làm báo có nhiều thế mạnh: giỏi ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin, nhanh nhạy tác nghiệp, có phương tiện hành nghề tốt… Tuy nhiên, trên thực tế, để trở thành phóng viên chính thức tại cơ quan báo chí có uy tín không phải điều dễ dàng.
Chị T.G.L. (38 tuổi) từng có 6 năm làm cộng tác viên cho một tòa soạn lớn trước khi ký hợp đồng chính thức, kể: “Ra trường, đi làm mới thấy rất nhiều trở ngại trong tác nghiệp, chưa kể mỗi tờ báo có tôn chỉ, đường hướng, cách tác nghiệp riêng… Mình phải học ngay từ những điều rất nhỏ. Không chỉ có mình, mà rất nhiều bạn cộng tác gần 10 năm vẫn là cộng tác viên, đến lúc không chịu được nữa phải đi tìm công việc khác. Nghề báo nghe sang mà thực tế không phải nghề để làm… sang. Bạn trẻ cần có cái nhìn đúng về nghề”.
Một nhà báo viết mảng giáo dục hơn 10 năm chia sẻ, những áp lực ở nghề báo không kể hết. Tác nghiệp của phóng viên phải nhanh, chính xác, cẩn trọng. Phần lớn phóng viên phải tác nghiệp trong khoảng thời gian rất ngắn, chịu sức ép của thời gian, cạnh tranh tin tức. Đặc biệt, khi làm online, deadline thường được tính bằng giờ, bằng phút...
Nhà báo Trần Thùy Vinh, Trưởng ban Khoa giáo Báo Người Lao Động, cho biết hàng năm nhận nhiều sinh viên thực tập từ các khoa báo chí, truyền thông, ngữ văn, cao đẳng truyền hình... Tuy nhiên, sau một thời gian thực tập, thử việc, nhiều em nhận ra nghề báo không phù hợp.
“Thực tế, rất ít sinh viên thực tập hiện nay theo đuổi được nghề báo. Những gì các em học ở trường đại học hoàn toàn không như thực tế ở trong tòa soạn; các em không hiểu quy trình làm ra một sản phẩm báo chí thực sự mà chỉ nghĩ đơn giản có thông tin diễn ra thì viết tin, bài/chụp ảnh/quay phim là xong. Các khâu quan hệ địa bàn, phỏng vấn lấy tin, chạy hiện trường, hiện thực hóa sản phẩm cho online, báo giấy, truyền hình trong thời gian gấp rút để cạnh tranh từng phút của từng tờ báo... mới thực sự là môi trường khắc nghiệt của nghề. Hiện nay, phóng viên các báo đều rất đa năng “3 trong 1” (chụp hình, quay phim, viết bài) hoặc 4 trong 1 (chụp hình, quay phim, viết bài, dẫn livestream hay YouTube), đòi hỏi nhiều kỹ năng mà nhiều em không đáp ứng nổi”, nhà báo Trần Thùy Vinh phân tích.
Hiểu cặn kẽ về nghề báo, có thể nhiều bạn trẻ… nhụt chí, chọn ngành nghề khác. Thực tế, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp báo chí không bám trụ được nghề. Nhưng nếu lựa chọn đến cùng, cần hiểu rằng kiến thức, kỹ năng, mối quan hệ, kinh nghiệm, bản lĩnh sẽ được rèn, trau dồi qua thực tiễn tác nghiệp khắc nghiệt và bằng thời gian.
Nhà báo Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM: Nghề báo là nghề vất vảCó nhiều điều cần chú ý nếu muốn theo nghề này lâu dài, bởi đây là một nghề vất vả. Người ngoài có thể nhìn thấy qua tác phẩm được vinh danh, các lễ trao giải báo chí và hình dung nhà báo được đi đây đi đó, được săn đón… nhưng đó chỉ là bề mặt. Để làm được điều đó, phải khổ luyện các kỹ năng viết, kỹ năng giao tiếp, học hỏi công nghệ… Nhà báo giỏi còn cần nhiều tố chất, quan trọng kiến thức nền phải tốt, đọc nhiều, hiểu nhiều… Bản chất của nghề báo có cái “tôi” rất lớn. Cái “tôi” có cái hay là bản sắc, phong cách cá nhân trong bài viết của mình, nhưng nếu nhấn cái “tôi” mạnh quá sẽ dễ trở thành cái “tôi” chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, không học hỏi đồng đội và tự mãn về quá khứ của mình thì sẽ dễ thụt lùi… Nhà báo Nguyễn Khắc Văn, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo SGGP: Phải tạo ra được sản phẩm “hơn cả tin tức”Chọn nghề báo, trước tiên phải có những tố chất trong mỗi người cùng sự đam mê mãnh liệt thì mới có thể theo nghề, lăn lộn với nghề lâu dài được. Hiện nay, khi truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, hầu hết tin tức nóng hổi đã được đưa ngay lên mạng xã hội, đòi hỏi các nhà báo, các cơ quan báo chí chính thống phải tạo ra được các sản phẩm “hơn cả tin tức”. Đây cũng là đòi hỏi của bạn đọc. Đối với cánh phóng viên trẻ mới vào nghề, quả là một thách thức lớn, đòi hỏi phải nỗ lực rất nhiều. Điều này cũng đặt ra yêu cầu các cơ sở đào tạo báo chí phải có sự thay đổi rõ nét trong chương trình, phương pháp đào tạo, đặc biệt tăng cường trang bị cho sinh viên báo chí các kiến thức kỹ năng mới nhất về công nghệ để tác nghiệp trong xu hướng bùng nổ báo chí công nghệ, báo chí nền tảng. |