Nghị quyết đã nói đến việc thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy.
Tất cả bộ, ngành phải vào cuộc
Mục tiêu của nghị quyết là quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, xử lý cơ bản khó khăn, vướng mắc pháp lý cho DN, người dân, các dự án đầu tư; tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho DN.
Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện cơ chế thị trường đầy đủ và tự do, giảm thiểu sự can thiệp và đơn giản hóa hệ thống pháp luật các quy định dưới luật để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong công tác thực thi pháp luật.
Trong bối cảnh quá trình đổi mới thể chế/chính sách lẫn cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa thực sự có những bước chuyển biến. Các bộ ngành đều hô hào đẩy mạnh chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số, nhưng ở nhiều nơi đa phần chỉ dừng lại ở các chủ trương chung, mang tính phong trào.
Nên nghị quyết này nêu khá chi tiết, giao cụ thể cho từng cơ quan bộ ngành để triển khai và yêu cầu có báo cáo cụ thể, cũng như mốc thời gian thực hiện/báo cáo. Đặc biệt, trong nghị quyết nêu rõ việc các bộ ngành ở Trung ương phải là đầu mối xử lý các vướng mắc về môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong đó giao Bộ Công Thương xử lý vướng mắc về môi trường đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, sớm cấp phép hoạt động điện lực cho các dự án điện năng lượng tái tạo đủ điều kiện để sớm đưa các dự án này vào vận hành.
Giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư trong tháng 8-2023, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, kiến nghị cụ thể phương án sửa đổi, thay thế, bãi bỏ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2023.
Với Bộ Tài chính, Chính phủ yêu cầu trong tháng 7- 2023 phải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài khóa. Khẩn trương rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, hướng dẫn trong trường hợp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục nhanh, gọn cho DN, bảo đảm thời gian hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất cho DN…
Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giảm mức phí công đoàn từ 2% xuống 1%, và giãn thời hạn nộp kinh phí trong năm 2023. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có biện pháp xử lý đối với cán bộ, công chức, viên chức còn e dè, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Dứt khoát phá bỏ quan điểm sợ sai, không dám quyết
Để Nghị quyết 105 thực sự hiệu quả, song song với việc thực thi nghị quyết này, công tác rà soát các mục tiêu thúc đẩy môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh phải được quan tâm và thúc đẩy thực hiện. Nhất là kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh gây khó khăn, phiền hà, tăng chi phí tuân thủ chính sách và pháp luật của DN.
Trong đó bao gồm cả việc rà soát công tác thanh, kiểm tra chồng chéo, nhiều tầng nấc, làm mất thời gian và tăng chi phí của DN, các hộ sản xuất kinh doanh. Đồng thời hạn chế thanh kiểm tra quá mức để tránh nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, từ đó bớt các chi phí đầu vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Đặc biệt, nghị quyết đã nói đến việc thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy. Phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng, nhiều vụ việc vướng mắc của người dân và DN vừa do những chồng chéo mâu thuẫn của hệ thống pháp luật-chính sách, thì không ít trường hợp các cơ quan thờ ơ, lãnh đạm không chịu xắn tay vào giải quyết.
Cụ thể như những vấn đề liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, các quy định về môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, các vấn đề cấp phép cho các lĩnh vực kinh doanh mới như năng lượng tái tạo, fintech…
Nghị quyết 105 đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế khiến tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và tình hình phát triển sản xuất kinh doanh của DN đang không có nhiều điểm lạc quan.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn được giao; không trình lên cấp trên và chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm Công điện 280/CĐ-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ, không đùn đẩy kéo dài công việc làm lỡ thời cơ, cơ hội của DN, người dân, gây lãng phí nguồn lực.
Nghị quyết 105 cũng nhấn mạnh, đây là lúc phải dứt khoát phá bỏ tình trạng sợ sai, không dám quyết theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Phá bỏ sự cố thủ của các rào cản kinh doanh và những điều kiện chưa thực sự tạo thuận lợi thương mại và đầu tư. Phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực của thị trường (đất đai, năng lượng, các lĩnh vực dịch vụ).
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, cần phải đánh giá tổng thể lại nhu cầu và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh cho DN theo từng lĩnh vực, ngành hàng, đối tượng.
Bên cạnh đó là cần các cơ chế thực thi, giám sát việc thực hiện. Như vậy mới đảm bảo phát huy tối đa các kết quả kỳ vọng mà Nghị quyết 105 mang lại, nhằm kéo lại đà tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 cũng như sự phục hồi của sản xuất, của kinh doanh.