Chưa khi nào các trường đại học (ĐH) Việt Nam lại chú trọng và đẩy mạnh đầu tư chất xám lẫn kinh phí để tăng công bố quốc tế như hiện nay.
Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR) của ĐH Quốc gia TPHCM luôn dẫn đầu cả nước trong công bố quốc tế về vật liệu mới. Ảnh: Trung tâm INOMAR
Công bố quốc tế tăng ngoạn mục
Theo khảo sát của GS-TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội), trong 10 năm (2009-2018), số lượng công bố quốc tế thuộc cơ sở dữ liệu các bài báo khoa học Việt Nam đã tăng gần 5 lần, từ 1.764 bài công bố vào năm 2009, lên đến 8.234 bài năm 2018. Đặc biệt, nhờ nâng chuẩn chất lượng, có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam đã tăng mạnh trong 3 năm gần đây.
Trong năm 2013, trước khi có Nghị quyết 29, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, ở mức 2.309 bài. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây của nhóm nghiên cứu độc lập Trường ĐH Duy Tân, tính từ năm 2017 đến thời điểm công bố vào tháng 6-2018, chỉ riêng các công bố quốc tế của 30 trường ĐH Việt Nam hàng đầu đã đạt 10.515 bài, hơn cả giai đoạn 2011-2015 (mới có 10.034 bài).
Cuối năm 2019, nhóm nghiên cứu của ĐH Quốc gia Hà Nội phân tích từ cơ sở dữ liệu Web of Science - WoS và SCOPUS giai đoạn 2014-2018 của Việt Nam cho thấy, năm 2018, số lượng công bố quốc tế hàng năm của Việt Nam có gần 10.000 bài, trong đó, các cơ sở GDĐH đóng góp tới 70%. Về chất lượng nghiên cứu, Việt Nam có chỉ số trích dẫn bằng 9,2 - ngang mức trung bình của các cơ sở GDĐH châu Á. Cũng theo nhóm nghiên cứu này, giai đoạn 2014-2018, Việt Nam có 30 cơ sở GDĐH có số lượng bài báo nhiều nhất. Trong đó, ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội là 2 cơ sở giáo dục có tổng số bài báo cao nhất.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, nếu như trước đây chỉ có 2 ĐH quốc gia được giao quyền tự chủ cao, thì từ năm 2014 có 23 cơ sở GDĐH được thí điểm thực hiện tự chủ tương đối toàn diện theo Nghị quyết 77 của Chính phủ. Hầu hết các trường thí điểm tự chủ bứt phá mạnh trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống GDĐH Việt Nam. Năm 2019, hệ thống GDĐH Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 trường ĐH vào tốp 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở GDĐH Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường ĐH hàng đầu châu Á.
Đầu tư phải hợp lý, không cào bằng
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Hà Nội, năng suất khoa học - số lượng bài báo công bố quốc tế - của Việt Nam đang tăng qua từng năm và tăng mạnh hơn sau năm 2017. Chính sự gia tăng năng suất công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH đã quyết định mức độ gia tăng chung về công bố quốc tế của cả nước. Sự gia tăng có tính chất đột biến này diễn ra trong thời kỳ các cơ sở GDĐH Việt Nam được trao quyền tự chủ. Tuy nhiên, chúng ta cần tập trung đầu tư cho các cơ sở GDĐH cùng với nhiều lĩnh vực, hướng nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn. Đặc biệt, tự chủ ĐH và việc nâng cao năng suất và chất lượng NCKH có mối liên hệ mật thiết.
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thực tế cho thấy các nhóm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở các trường ĐH cần có những chính sách khác nhau. Các chính sách đầu tư phải hợp lý chứ không thể cào bằng, dẫn đến lãng phí, hiệu quả không cao. Có thể chia nhóm nghiên cứu thành 3 loại cơ bản là nhóm nghiên cứu cấp trường, nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia và nhóm nghiên cứu quốc tế. Từ đó sẽ đưa ra những chính sách đầu tư và yêu cầu chuẩn đầu ra cho phù hợp với từng nhóm nghiên cứu.
Thực tế cho thấy, về mặt vĩ mô, chúng ta có Nghị quyết 29 rồi đến Nghị quyết 77 và tiếp đến là Luật GDĐH (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019). Tiếp đó là nhiều trường tự chủ đã có những chính sách thưởng như là đòn bẩy để tăng số lượng công bố quốc tế. Nhiều trường hiện nay có mức thưởng từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho các bài báo quốc tế, trên các tạp chí uy tín của quốc tế. Sự đầu tư này khiến tỷ lệ bài báo quốc tế/tiến sĩ của trường tăng đáng kể.
GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Australia), cho biết, với nội lực và thực trạng hiện tại, các ĐH Việt Nam phải xác định mục tiêu là nâng cao năng suất NCKH, đẩy mạnh chuyển giao NCKH, công nghệ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, các ĐH Việt Nam đã xuất hiện trên các bảng xếp hạng của quốc tế và năng lực NCKH, công bố quốc tế của ta đều được các bảng xếp hạng đánh giá là những tiêu chí
quan trọng nhất.
PGS-TS Bạch Long Giang, Trưởng phòng Khoa học công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Một nhà khoa học không phải đợi có thưởng cao hay thấp mới làm nghiên cứu, mà họ xem đó như là nhiệm vụ phải làm, hơn hết đó còn là niềm đam mê. Dù một trường ĐH xác định phát triển theo hướng nào thì giảng viên cũng phải có nghĩa vụ NCKH. Nếu chỉ lo đào tạo, không gắn với NCKH thì chắc chắn trường đó sẽ khó tồn tại lâu dài”.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, khẳng định, năng lực hiện có công bố quốc tế và bằng sáng chế của chúng ta chưa tương xứng. Các trường ĐH Việt Nam phải mạnh dạn có những cơ chế đột phá để đẩy mạnh NCKH. Cơ chế này phải có sự thay đổi đồng bộ từ chính sách đầu tư, cơ sở vật chất và phải có tầm nhìn. Hiện nay, những trường tự chủ và một số trường ngoài công lập đang có nhiều cơ hội để bứt phá trong phát triển NCKH. |