Ngổn ngang quy định phân loại rác tại nguồn

(ĐTTCO)-Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Đống rác ngổn ngang nằm "chình ình" suốt nhiều ngày qua tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Đống rác ngổn ngang nằm "chình ình" suốt nhiều ngày qua tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn được xác định là nền tảng vững chắc nhằm giảm thiểu ô nhiễm, tránh lãng phí nguồn nguyên liệu giá trị cho nền kinh tế cũng như tiết kiệm được nguồn chi phí xử lý rác thải lên đến hàng chục triệu USD mỗi năm. Điều này có ý nghĩa hơn khi từ ngày 1/1/2025, quy định xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn sẽ chính thức có hiệu lực, áp dụng thi hành trên cả nước.

Thế nhưng, thực tế hiện nay tại nhiều địa phương ở Hà Nội cho thấy việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn là “khoảng trống” xa vời. Thậm chí, nhiều nơi, rác thải còn được đổ thải thành đống ngổn ngang ven đường.

Đổ trộm, vứt rác tự do vẫn phổ biến

Một trong những khu vực đang xuất hiện tình trạng đổ rác thải tràn lan ở Hà Nội hiện nay là khu vực thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, trong suốt nhiều ngày qua, ở phía trước khu vực cạnh cổng Trường phổ thông liên cấp Ngôi sao Hà Nội cơ sở Hoàng Mai; cổng phụ của Trường mầm non Hoa Sữa (ở Khu đô thị mới Kim văn Kim lũ, phường Đại Kim) xuất hiện một đống rác thải lớn nằm “chình ình” lấn chiếm cả lòng đường.

Ngoài rác thải rắn sinh hoạt thông thường, còn có các loại rác thải từ đồ gia dụng cũ hỏng như bàn ghế, hộp xốp, bồn cầu, hay chăn, nệm, chiếu cùng một số loại rác thải nguy hại khác. Thực trạng này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, mà còn gây ảnh hưởng đến việc đi lại hàng ngày của người dân.

Chia sẻ với người viết, chị Mai Hương (người dân ở một chung cư tại khu vực Kim văn Kim lũ) cho biết đống rác trên xuất hiện từ khoảng đầu tháng 12/2024 đến nay. “Mỗi lần đi làm phải qua đoạn đường này, rác bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Việc đi lại cũng rất khó khăn,” chị Hương phản ánh.

Điều đáng nói hơn, theo phản ánh của người dân ở khu vực Kim văn Kim lũ, vị trí xuất hiện đống rác thải “chình ình” trên, cũng là “điểm nóng” thường xuyên xuất hiện tình trạng đổ trộm rác thải trong những năm gần đây. Nhiều lần người dân phản ánh và sau đó rác được bốc đi hoặc đốt, nhưng sau một thời gian lại ngập rác.

Tình trạng đổ trộm rác hay vứt rác không đúng nơi quy định cũng diễn ra phổ biến ở nhiều khu vực trên địa bàn các quận Thanh Xanh, Cầu Giấy, Hà Đông, thậm chí quận Hoàn Kiếm. Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Giám đốc Chi nhánh Urenco Hoàn Kiếm, cho biết với đặc thù quận Hoàn Kiếm đông khách du lịch, khách vãng lai, nhà hàng, quán ăn mở bán vào nhiều thời điểm khác nhau nên khối lượng rác phát sinh hàng ngày rất nhiều. Trong khi việc thu gom rác tại các khu vực công cộng, đường dạo, các tuyến đường phố kinh doanh chỉ được duy trì với tần suất 1 lần/ngày.

“Bên cạnh đó, hiện tượng người dân bỏ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định (đặc biệt là khu vực phố cổ, nơi tập trung nhiều khách du lịch, hàng quán vào các khung giờ từ 10 giờ đến 13 giờ và từ 17 giờ đến đêm muộn) vẫn còn nhiều, gây tồn đọng rác trong các dải cây, các tuyến đường phố,” bà Hằng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) hiện nay, hầu hết các địa phương vẫn còn khá lúng túng khi triển khai hoạt động phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, kể cả một số địa phương đã ban hành Kế hoạch phân loại rác tại nguồn.

Hầu hết các địa phương vẫn còn khá lúng túng khi triển khai hoạt động phân loại rác tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

“Các hộ dân, các chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ phải phân loại rác như thế nào, phải trả tiền theo lượng rác thải ra sao; đổ rác phân loại ở đâu, thế nào; các đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom vẫn chưa có hướng dẫn về trang thiết bị, địa điểm thu gom rác đã phân loại, vẫn thực hiện theo hợp đồng đã ký kết,” ông Tùng nói.

Cần có các chế tài về phân loại rác thải

Trước thực tế trên, Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh để phân loại rác hiệu quả, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với người dân. Theo đó, các địa phương cần hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật thu gom và phân loại rác; cải thiện hạ tầng thu gom rác thải để hỗ trợ việc phân loại. Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần có các chế tài về phân loại rác thải.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường, cho rằng để triển khai phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn hiệu quả, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, cũng như chính quyền địa phương. Việc phân loại rác cần được thực hiện từ hộ gia đình, trường học, cơ quan cho đến nơi thu gom, tạo thành một hệ thống đồng bộ.

Về phía Bộ Tài Nguyên và Môi trường, ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, cho biết cơ quan này đã xây dựng bộ công cụ nhận diện chất thải như chất tái tái chế, chất thải thực phẩm để người dân dễ dàng nhận biết. Do vậy, trong thời gian tới cần đẩy mạnh nhiều biện pháp tuyên truyền hơn.

“Chính những người công nhân lao động (những người trực tiếp làm công tác thu gom, vận chuyển rác thải) là những tuyên truyền viên xuất sắc nhất, vì hơn ai hết họ là người hiểu nhất về ý nghĩa vai trò của phân loại rác thải. Ngoài ra cũng nên cho người dân đi tham quan khu vực tái chế để thấy ý nghĩa của việc phân loại và thấy được chính những sản phẩm tái chế lại quay trở lại cộng đồng,” ông Trung nói.

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng nhấn mạnh trong công tác bảo vệ môi trường, người lao động có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm.

“Do vậy, thời gian tới, trong bối cảnh nước ta vẫn còn nhiều những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế, cần có các sáng kiến, giải pháp để sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần và thực hiện tiêu dùng xanh, bền vững của người dân trên cả nước nói chung và người lao động nói riêng,” ông Dũng nói.

Nhấn mạnh thêm về sự cần thiết của việc phân loại rác thải, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, cho rằng với sự phát triển hiện nay của xã hội, chất thải được “sinh ra” rất nhiều và hầu hết có thể phân loại được. Việc phân loại rác thải có thể giúp biến rác thải thành tài nguyên phát triển kinh tế. Do vậy, trong thời gian tới cần thực hiện công tác này tốt hơn để góp phần bảo vệ môi trường.

Thống kê cho thấy tính đến nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 67.110 tấn/ngày, trong đó khoảng 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Nếu như thực hiện tốt phân loại rác, sẽ chỉ còn khoảng 25-30% rác thải phải mang đi chôn lấp hoặc xử lý tại các nhà máy và mang lại hiệu quả rất lớn với môi trường và sức khỏe con người.

Các tin khác