Ngọt cổ phiếu đường, đắng cho ngành mía đường

(ĐTTCO) - Trong khi cổ phiếu (CP) ngành mía đường liên tục tăng mạnh những năm qua nhờ xu hướng tăng giá của thế giới, sản lượng mía đường trong nước lại lao dốc không phanh, và thị trường Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào đường nhập khẩu.
“Ngọt ngào” CP mía đường
Kể từ đầu năm 2021 đến nay, cùng với xu hướng tăng của giá đường thế giới, diễn biến của các CP ngành mía đường vô cùng tích cực với mức tăng điểm ấn tượng.
Đơn cử như CP LSS (mía đường Lam Sơn) đã đạt mức giá cao nhất 19.200 đồng/CP vào ngày 19-11-2021, tương ứng tăng 144% so với mức giá 7.860 đồng/CP vào đầu năm nay.
Thậm chí nếu tính từ lúc bi quan nhất (dịch Covid đang căng thẳng trên thế giới) là mức đáy trong tháng 4-2020, kết quả còn ấn tượng hơn nhiều. Các CP như LSS và SLS đã tăng giá hơn 4 lần kể từ đó đến nay.
Ngọt cổ phiếu đường, đắng cho ngành mía đường ảnh 1
Nguyên nhân của xu hướng tăng giá mạnh mẽ này nhờ giá đường thế giới đã có xu hướng tăng liên tục kể từ tháng 4-2020 đến nay, do hiện tượng thời tiết La Nina làm ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất đường của các quốc gia chủ chốt, đặc biệt là tại Brazil.
Ngoài ra, yếu tố cộng hưởng thêm là xu hướng tăng liên tục của giá dầu thô thế giới dẫn tới xu hướng tăng giá mạnh của Ethanol. Ethanol tăng giá mạnh đã dẫn tới việc Brazil sử dụng cây mía cho mục đích sản xuất Ethanol tăng lên, và giảm tỷ lệ sản xuất đường.
Trong khi đó, giá các CP ngành mía đường có đặc điểm tương quan thuận chiều với xu hướng của giá đường thế giới. Nếu giá đường thế giới trong xu hướng giảm, giá CP ngành mía đường sẽ giảm. Và ngược lại, nếu giá đường thế giới tăng, giá CP ngành mía đường sẽ tăng. 
Ngọt cổ phiếu đường, đắng cho ngành mía đường ảnh 2 Nguồn: Tổng hợp
Nhưng lại trăn trở cho ngành mía đường
Tuy nhiên, điều đáng buồn là sản lượng mía đường trong nước sụt giảm mạnh. Kể từ mùa vụ 2013-2014 đạt mức đỉnh sản lượng 1,73 triệu tấn đến nay, sản lượng đường nằm trong xu hướng giảm, và chỉ đạt 810.000 tấn trong mùa vụ 2020-2021, tương ứng mức giảm 53%.
Mức sản lượng 810.000 tấn này thậm chí thấp hơn cả sản lượng của mùa vụ 2005-2006. Như vậy, quy mô ngành mía đường trong nước đã trở về với mức cũ cách đây 16 năm!
Ngọt cổ phiếu đường, đắng cho ngành mía đường ảnh 3 Nguồn: Tổng hợp
Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2020-2021 là năm khó khăn chung của ngành mía đường, diện tích trồng mía chỉ còn 187.100ha, giảm 19,83% so với vụ trước.
Mía được đưa vào các nhà máy đường chế biến khoảng 6,7 triệu tấn, giảm gần 1 triệu tấn so với dự kiến. Số lượng nhà máy đường đã giảm gần một nửa, từ 41 nhà máy hiện chỉ còn 24 nhà máy.
Ngọt cổ phiếu đường, đắng cho ngành mía đường ảnh 4 Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ
Biểu đồ thể hiện mối tương quan nghịch đảo rất rõ giữa sản lượng sản xuất là lượng đường nhập khẩu, với hệ số tương quan correlation đo được là -0,94 (mức độ tương quan nghịch rất cao).
Như vậy, kể từ mùa vụ 2013-2014 đến nay, sản xuất trong nước ngày càng giảm tương ứng với số lượng nhập khẩu ngày càng tăng.
Ngọt cổ phiếu đường, đắng cho ngành mía đường ảnh 5 Nguồn: Tổng hợp
VSSA cho biết chỉ trong 9 tháng năm 2021, Việt Nam đã chi ra số tiền kỷ lục hơn 610,7 triệu USD để nhập khẩu hơn 1,3 triệu tấn đường. Con số này cao hơn mức 439 triệu USD của cùng kỳ năm 2020 để nhập khẩu gần 1,1 triệu tấn đường.
Xu hướng 5 năm tới?
Giá dầu thô liên tục tăng cao từ đầu năm đến nay, tăng khoảng 76% từ mức 48,4USD/thùng lên mức đỉnh 85USD/thùng (tháng 10-2021), kéo theo giá phân bón tăng vọt từ 60-80%, sẽ làm ảnh hưởng tới chi phí đầu vào của nông dân trồng mía. Trong khi đó, ngành đường lại chịu áp lực cạnh tranh giá bán với đường nhập khẩu Thái Lan. 
Gần đây, Bộ Công Thương đã sử dụng công cụ phòng vệ với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã liên tiếp triển khai các biện pháp với mục đích hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành mía đường. Với việc ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời  với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan từ tháng 2-2021.
Sau đó, vào ngày 15-6-2021, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT, áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan. 
Tuy nhiên, với việc áp thuế chống bán phá giá đường Thái Lan sẽ có khả năng đường nước này đi vòng qua các nước ASEAN khác để vào Việt Nam như trong giai đoạn trước đó. Vì vậy, Bộ Công Thương đã khởi động điều tra chống lẩn tránh với đường Thái Lan đi qua các nước ASEAN vào Việt Nam. Sắp tới sẽ đánh giá dữ liệu và đưa ra quyết định đúng pháp luật. 
Dù vậy, vẫn còn đó nỗi lo lắng về xu hướng phát triển sản xuất của ngành mía đường trong thời gian tới, bởi việc đánh thuế nhập khẩu đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN khác thực chất không có nhiều tác dụng, do phần lớn trong đó là đường nhập lậu. 

Các tin khác