“Cố gắng tháo gỡ”
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus ngày 20/2, ông Mai Trọng Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết vụ việc trên đã có phương án giải quyết nhưng vì một số người chưa đồng tình nên vẫn cần thêm thời gian.
“Vấn đề ở đây là đất của dân (những người dân đòi quyền lợi liên quan đến Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của huyện Ba Vì) là đất không hợp pháp. Vì thế, giải quyết thì phải có căn cứ. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng tháo gỡ tất cả những gì có thể tháo gỡ được theo quy định pháp luật,” ông Thái nhấn mạnh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của bãi chôn lấp rác thải huyện Ba Vì kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly có diện tích 5,6ha. Để thực hiện, cơ quan chức năng di dời tất cả các hộ gia đình và tổ chức nằm trong vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m) từ bãi chôn lấp rác thải; phá dỡ các công trình nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng; trồng cây xanh để tạo hành lang cách ly.
Qua rà soát, tổng diện tích giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn xã Tản Lĩnh là 98.011,5m2, liên quan đến 130 hộ dân. Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 59 hộ với diện tích hơn 26.277m2; trong đó đã chi trả tiền bồi thường cho 52 hộ với diện tích 23.150m2.
Hiện nay, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đang thực hiện đối với 50 hộ đang sản xuất nông nghiệp tại 51.324m2 đất lòng hồ Suối Hai và 21 hộ sử dụng 24.410m2 đất trên đó có nhà ở. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng đang gặp khó khăn.
Cụ thể, 50 hộ trên là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lòng hồ Suối Hai. Theo Ủy ban Nhân dân xã Tản Lĩnh, các hộ dân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp trước năm 1950 (trước khi xây dựng hồ Suối Hai) đến nay. Tuy nhiên, diện tích các hộ dân đang sử dụng lại nằm trong Giấy xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của Xí nghiệp Thủy sản Suối Hai do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây cấp ngày 5/1/1994.
Vì thế, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã dự thảo phương án giải phóng mặt bằng là không bồi thường, hỗ trợ đối với 51.324m2 đất lòng hồ Suối Hai mà 50 hộ dân đang sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các hộ dân lại đề nghị được hỗ trợ bằng 3 lần đơn giá đất nông nghiệp (tương tự chính sách hỗ trợ đối với các hộ sử dụng đất có nguồn gốc tương tự tại dự án Khu xử lý chất thải Xuân Sơn đã được thành phố chấp thuận từ ngày 30/10/2017; đây là phần diện tích đất mà các hộ dân sử dụng tại dự án chưa cấp Giấy xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của Xí nghiệp Thủy sản Suối Hai).
Tương tự, đối với 21 hộ sử dụng đất có nhà ở, theo bản đồ phân loại đất, phân hạng đất canh tác được lập theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, đo vẽ năm 1986, khu đất mà các hộ đang sử dụng được xác định là “đất đồi” và “chưa có tên người sử dụng.” Theo thời gian, các hộ tự sử dụng và xây dựng nhà ở.
Vì vậy, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã dự thảo phương án bồ thường, hỗ trợ đối với 20.410m2 đất do 21 hộ sử dụng là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, người dân không đồng tình mà đề nghị được hưởng chính sách bồi thường là đất ở và công trình xây trên đất.
Sẽ giải quyết dứt điểm
Trước thực trạng trên, ông Mai Trọng Thái cho biết vừa qua, liên ngành của sở này và Sở Tài chính, Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì đã có Tờ trình số 260 về chính sách “hỗ trợ khác” phục vụ công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án.
Theo đó, liên ngành đã đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận “hỗ trợ khác” bằng một lần giá đất nông nghiệp cho 50 hộ đang sản xuất nông nghiệp tại lòng hồ Suối Hai. Riêng với 21 hộ sử dụng đất có nhà ở, liên ngành đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho phép Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì áp dụng chính sách hỗ trợ 30% đối với trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng trước năm 1993 và 20% đối với trường hợp chuyển đổi từ sau năm 1993 đến ngày 1/7/2004.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản thống nhất nguyên tắc theo đề xuất của liên ngành Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì về chính sách “hỗ trợ khác” khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường của bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh huyện Ba Vì, với diện tích 5,6ha.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện huyện Ba Vì giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người dân xóm Hiệu Lực (xã Tản Lĩnh) về công tác giải phóng mặt bằng và có lộ trình hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân trong vùng bán kính ảnh hưởng môi trường của Khu Xử lý chất thải rắn Xuân Sơn.
Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân không tập trung đông người ngăn cản xe vận chuyển rác thải, gây mất an ninh trật tự; chỉ đạo Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên và môi trường Hà Nội phân luồng vận chuyển rác thải về các khu xử lý; chịu trách nhiệm giám sát phương tiện vận chuyển, không để phát tán mùi, chảy nước rác, rơi vãi rác trong quá trình vận chuyển về các khu xử lý.
Với lượng rác thải sinh hoạt tồn lưu ở các điểm tập kết, điểm trung chuyển trên địa bàn các huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị trúng thầu chủ động thực hiện các biện pháp phun thuốc khử khuẩn, rắc vôi bột, bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
"Quan điểm của chúng tôi là nếu người dân thấy phương án đền bù hiện tại chưa thỏa đáng thì vẫn có thể tiếp tục khiếu nại nhưng cần văn minh hơn. Chính quyền địa phương sẽ luôn lắng nghe và báo cáo các kiến nghị của người dân lên huyện và thành phố để sớm có phương án phù hợp nhất, đảm bảo quy định pháp luật," ông Hùng nhấn mạnh.