Người dân dè dặt chi tiêu

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,44% so với tháng 2 và chỉ tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2013, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Con số này đã đưa CPI 3 tháng đầu năm tăng 0,8%. Đã có nhiều câu hỏi về sức cầu yếu liệu có đến từ việc người dân siết chi tiêu hay sức cầu trong nền kinh tế đang thực sự yếu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,44% so với tháng 2 và chỉ tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2013, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Con số này đã đưa CPI 3 tháng đầu năm tăng 0,8%. Đã có nhiều câu hỏi về sức cầu yếu liệu có đến từ việc người dân siết chi tiêu hay sức cầu trong nền kinh tế đang thực sự yếu.

Việc CPI tháng 3 cả nước giảm là điều đã được dự đoán trước khi CPI 2 đầu tàu là Hà Nội và TPHCM đều giảm. Tại TPHCM, CPI tháng 3 giảm 0,46% so với tháng trước, trong đó có 6/11 nhóm hàng giảm với nhóm có quyền số lớn nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,84%. Hà Nội cũng tương tự khi CPI giảm 0,15% so với tháng trước và có 2 nhóm giảm, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,21%.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, giá cả giảm là theo quy luật, tháng sau Tết Nguyên đán tiêu dùng của người dân chững lại và giảm khiến giá một số mặt hàng thực phẩm giảm. Trong tháng, chỉ số giá lương thực tăng nhẹ nhưng chỉ số giá thực phẩm giảm so tháng trước. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt bò… giảm mạnh (đặc biệt thịt lợn giảm 4,75%). Đây là mặt hàng có quyền số lớn trong nhóm thực phẩm góp phần làm giảm chỉ số giá nhóm này. Bên cạnh đó, do dịch cúm gia cầm vẫn đang tiếp diễn nên giá gia cầm tiếp tục giảm 10.000-15.000 đồng/kg.

Khó có thể kết luận cầu yếu là nguyên nhân kéo CPI xuống thấp vì không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy tổng cầu giảm, nhất là các số liệu cho thấy sức mua đang tăng. Có thể sức mua trên thị trường chưa được phục hồi do những bất ổn vĩ mô. Tính đến cuối tháng 2, tổng mức bán lẻ có mức tăng trưởng thực 6,2%, do đó, CPI thấp không hẳn do cầu suy giảm.

TS. Vũ Đình Ánh,
Chuyên gia kinh tế

Giá cả hàng hóa, dịch vụ tại Hà Nội và TPHCM tháng 3 đã phản ánh vào bức tranh chung cả nước khi CPI cả nước giảm 0,44%. Việc 3 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 0,8% đã đặt ra vấn đề có cần biện pháp kích cầu nhằm tăng sức mua thời gian tới? Trả lời báo chí, các đại diện của Tổng cục Thống kê đều cho rằng CPI 3 tháng tăng thấp do nguồn cung dồi dào, sự kiểm soát giá cả tốt, người dân chi tiêu ngày càng tính toán, tiết kiệm và việc lo ngại về sức cầu của nền kinh tế yếu là không có cơ sở. Người tiêu dùng không còn sợ lạm phát, nên không mua hàng hóa dự trữ.

Điều này cũng tương đồng với giải thích của Bộ Công Thương. Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, sức mua tăng hay giảm được thể hiện qua sức mua có khả năng thanh toán là tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Thí dụ, 2 tháng đầu năm mức tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,2%. Như vậy so với cùng kỳ sức mua thực tăng vì 2 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ 2012 chỉ tăng hơn 4%. Cũng theo ông Quyền, năm nay sau tết sẽ hình thành mặt bằng giá mới cao do việc kiểm soát giá tốt, công tác bình ổn giá triển khai hiệu quả, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi. Chính những yếu tố đó lý giải tại sao sức mua có tăng nhưng giá cả không tăng tương ứng.

Tại TPHCM, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 3 ước đạt 49.778 tỷ đồng, tăng 15,2% so với tháng trước, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Ước tính quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 152.656 tỷ đồng, tăng 12,1% so với quý I-2013, loại trừ yếu tố biến động giá tăng 7,2%.

Còn tại Hà Nội, quý I, tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 10,2% so cùng kỳ  năm trước, trong đó, bán lẻ tăng 9,2%. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố tăng giá chỉ tăng 2,8% so cùng kỳ. Theo Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Công Xuân Mùi Mặc, quý I trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định song sức tiêu thụ của người dân không cao, chủ yếu tập trung những ngày giáp Tết do tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị đã đưa ra nhiều đợt khuyến mại như giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng để thu hút khách hàng, tuy nhiên, lượng khách đến mua hàng vẫn khá thấp so với cùng thời điểm năm trước.

Trao đổi với ĐTTC, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng việc CPI tháng 2 tăng thấp 0,55% và tháng 3 giảm 0,44% có một phần thể hiện chính sách điều hành của cơ quan quản lý về giá cả, nhưng vấn đề chính vẫn là do sức cầu hiện còn yếu. Thu nhập của người dân nhiều năm qua không theo kịp tăng giá, do vậy trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập người dân giảm nên sức mua giảm là điều có thể thấy được.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá cả giảm cũng khiến cơ quan quản lý có dư địa để điều hành giá các mặt hàng như xăng dầu, than, điện. Song việc này cũng cần tính toán kỹ bởi nếu tăng giá những hàng hóa quan trọng này sẽ khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, giá thành sản phẩm cao hơn và doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm.

Vì thế cần đẩy tổng cầu lên bằng cách trọng cung bằng việc thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh, bền vững và ổn định, dựa vào: giảm thuế, phí; tạo thị trường vốn thông thoáng; nâng cao năng suất, chất lượng để có thể đưa ra sản phẩm hợp lý hơn. 

Các tin khác