Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong chuyến “vi hành” khảo sát mô hình “doanh nghiệp và người dân xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê” tại quận Thủ Đức và KCX Tân Thuận (TPHCM) sáng 7-5.
Nhà trọ công nhân
Từ sáng sớm, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đến khảo sát khu nhà trọ tại 37A đường 11 (khu phố 3, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) do bà Nguyễn Thị Tuyết Anh làm chủ. Khu nhà trọ được xây dựng khang trang, sạch sẽ, phía trước có sân rộng. Toàn bộ khu trọ có quy mô 27 phòng, diện tích mỗi phòng 18m2 có gác lửng và toilet. Với giá cho thuê trên 1 triệu đồng/phòng/tháng, ước tính trung bình bà Anh có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng.
Bà Anh cho biết nhu cầu nhà trọ công nhân khu vực Linh Trung, Thủ Đức rất lớn vì tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp. Tận dụng quỹ đất sẵn có, bà đã bỏ tiền xây, qua nhiều năm đã hình thành dãy phòng trọ khang trang 27 phòng như hiện nay.
Chị Thu Hồng - người ở trọ gần 7 năm tại đây - chia sẻ: “Giá thuê khởi điểm 7 năm trước khoảng 600.000 đồng/tháng và nay 1,3 triệu đồng/tháng, bao gồm chi phí điện, nước, vệ sinh. Mức giá này phù hợp với điều kiện thu nhập của công nhân. Là người sống tha hương, tôi cảm nhận tình cảm gắn bó giữa chủ dành cho người ở trọ như trong gia đình, nhất là lúc xảy ra hoạn nạn hay ốm đau”.
Cũng trong buổi sáng 7-5, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã đến khảo sát nơi ở của công nhân trong KCX Tân Thuận. Khu lưu trú công nhân do CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Công ty Đức Bổn và Công ty TNHH Hung Way làm chủ đầu tư. Trong đó, Sadeco quản lý 3 block (250 phòng, đã lấp đầy), Đức Bổn quản lý 1 block (80 phòng, đã lấp đầy khoảng 25%), Hung Way quản lý 2 block (181 phòng, đã lấp đầy khoảng trên 50%). Với 519 phòng/6 block, khu lưu trú công nhân KCX Tân Thuận đáp ứng nhu cầu ở của 3.500 công nhân đang làm việc trong KCX.
Tại khu lưu trú của Sadeco, mỗi phòng rộng 30m2 có 6 người ở. Trung bình mỗi người sử dụng 5m2 nhưng trong phòng có bố trí giường tầng nên vẫn đảm bảo diện tích sinh hoạt chung. Chị Phạm Thị Hằng, công nhân làm việc tại Công ty FAPV, cho biết: “Với giá thuê phòng 300.000 đồng/tháng, tôi có thể tích lũy được số tiền kha khá để phụ giúp gia đình. Dù giá thuê trọ rẻ nhưng công nhân vẫn được sử dụng miễn phí nhiều dịch vụ karaoke, nhà đọc sách, nhà sinh hoạt cộng đồng. Hơn nữa, nhờ có ban quản lý, môi trường sống trong khu lưu trú rất an ninh”.
Theo ông Cao Vân, Phó Giám đốc khu lưu trú Sadeco, công trình này được khởi công năm 2003 với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng và đến năm 2007 đưa 3 block vào khai thác. Dự kiến phải 20-25 năm công ty mới có thể thu hồi vốn.
Nhà nước sẽ hỗ trợ
Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng bày tỏ sự phấn khởi sau khi khảo sát mô hình nhà trọ do người dân và doanh nghiệp xây cho công nhân thuê tại TPHCM. Ông nói đảm bảo chỗ ở, môi trường sinh hoạt cho người lao động là vấn đề được Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Với thực trạng hiện nay, chưa ai bằng lòng với chất lượng nhà trọ công nhân. Và để giải quyết vấn đề này, thời gian qua Nhà nước bỏ tiền ra xây hoặc huy động doanh nghiệp kèm chính sách hỗ trợ để xây nhà trọ cho công nhân. Mô hình nhà lưu trú công nhân trong KCX Tân Thuận được đầu tư rất bài bản, người lao động chỉ phải bỏ ra chi phí thuê khá thấp nhưng vẫn đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt đầy đủ tiện nghi.
Điều này tạo sự yên tâm, gắn bó lâu dài nhằm giữ chân người lao động, tạo ra giá trị thặng dư cao hơn cho doanh nghiệp. Mô hình này cần sớm được nhân rộng. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng băn khoăn về thực trạng tại các khu đô thị lớn, nơi tập trung các KCX, KCN, nhà máy, xí nghiệp, khoảng 90% nhà trọ công nhân do người dân đầu tư vẫn chưa được Nhà nước hỗ trợ.
“Nghị định 188/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (NoXH) do Chính phủ ban hành tháng 11-2013, có điểm mới là không chỉ Nhà nước, doanh nghiệp mà người dân cũng tham gia làm NoXH, công nhận người dân làm NoXH. Bởi chỉ khi được công nhận, người dân mới quản lý được. Và để người dân quản lý tốt, dĩ nhiên phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, không thể để người dân tự bơi” - Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi công nhân đang ở trọ |
Có thể nói, mô hình nhà trọ người dân xây cho công nhân thuê là rất tốt, nhưng nhìn chung chất lượng chưa đồng đều. Nhiều nơi công nhân phải chấp nhận sống trong những căn nhà xập xệ, chật chội, mất vệ sinh vì giá rẻ. Do đó, để hỗ trợ người dân xây dựng được những khu nhà trọ khang trang hơn, đúng quy chuẩn hơn, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ tín dụng, quy hoạch, giảm các loại thuế thu nhập cá nhân.
Riêng địa phương hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện cung cấp các thiết kế kỹ thuật miễn phí, giúp người dân tiếp cận tín dụng, hướng dẫn lập báo cáo, đơn đề nghị cấp phép xây dựng, hoàn thiện quy hoạch chung khu vực. Bên cạnh đó, địa phương cũng phải công nhận người lao động là một thành viên trong cộng đồng dân cư, thay vì xem họ là những công dân tạm trú, ít quan tâm về mặt tinh thần.
Tuy nhiên, để nhận được hỗ trợ như trên, người dân phải có trách nhiệm trong vấn đề đầu tư. Trước hết, nhà trọ đảm bảo chất lượng công trình (kết cấu, diện tích, tiện ích bên trong). Chủ trọ tuân thủ thu với giá phù hợp, không được thu cao. Bên cạnh đó, chủ trọ cần xem người lao động như những thành viên trong gia đình, khu vực, cộng đồng; được sử dụng công trình văn hóa, thể dục-thể thao, có quyền đóng góp ý kiến giúp mô hình này ngày càng hoàn thiện hơn.