Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng thôn Chánh Oai cho biết, có khoảng 100 hộ dân ảnh hưởng, có quyền lợi trực tiếp từ dự án đang phản ánh. Người dân phản ánh tập trung vào các nguyên nhân như: dự án chặn đường ra biển ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân; dự án làm ảnh hưởng đến khu vực chăn thả bò của người dân; việc xây dựng dự án, đào phá núi có thể gây tác động vào thiên nhiên khiến cho gió cát, bão hoành hành; dự án làm chậm hệ thống thoát nước ở các khu dân cư…
Đầu tháng 1-2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh có ý kiến bằng văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương kiểm tra, rà soát yêu cầu chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện các nội dung đã cam kết hỗ trợ người dân. Giao UBND huyện Phù Cát chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp (DN) cùng các bên liên quan tổ chức đối thoại, tìm sự đồng thuận trong nhân dân, tháo gỡ các vướng mắc để DN sớm thực hiện dự án đạt hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Tuy nhiên, đến nay các bên vẫn chưa tìm được thỏa hiệp chung, những động thái của chính quyền Phù Cát rất chậm. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết trước mắt, huyện sẽ rà soát các bất cập trong quá trình đầu tư khu resort Vunam, yêu cầu DN khắc phục triệt để, sau đó mới tiếp tục triển khai.
Tháng 6-2016, UBND tỉnh Bình Định cho Công ty Ban Mai thuê 26,7ha đất tại thôn Chánh Oai (thời hạn 50 năm) để xây dựng khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái (khu resort Vunam, hình thức du lịch cộng đồng), tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Ban Mai cho biết, dự án triển khai được trên 90% và đã đưa vào hoạt động. Trong quá trình tiếp tục xây dựng mở rộng thì bị người dân ngăn cản khiến DN gặp rất nhiều khó khăn.