Vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 bãi bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy CMND trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân.
Theo chúng tôi biết, từ giữa năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể (Đề án 896) đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 nhằm đổi mới căn bản tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.
Theo đó, các loại giấy tờ như giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng tử sẽ được thay thế bằng số định danh. Và Nghị quyết 112 của Chính phủ là bước tiếp theo của lộ trình triển khai thực hiện đề án này.
Mã số định danh sẽ là bước tiến mới trong việc thay thế hộ khẩu.
Người dân đón nhận thông tin này với thái độ phấn khởi không chỉ vì cuốn sổ hộ khẩu được thay thế bằng một phương thức hiện đại hơn. Bản thân cuốn sổ hộ khẩu không có tội tình gì, tội ở chỗ nó được coi như một công cụ quyền lực để nhũng nhiễu. Đó là việc người có hộ khẩu chính thức ở các thành phố lớn nhiều khi đã thấy phiền toái, nhưng phải là dân ngoại tỉnh, ngụ cư ở các thành phố lớn mới thấu hiểu nỗi khổ của người không có hộ khẩu thường trú.
Đã có thời, muốn xin việc, mua nhà, đăng ký xe ở Hà Nội hay TPHCM… người dân buộc phải có hộ khẩu ở thành phố đó. Những tưởng quản lý hành chính bằng hộ khẩu sẽ hiệu quả nhưng không, thực tế nó mang lại quá nhiều phiền toái, tiêu cực, là mảnh đất màu mỡ cho các cán bộ, công chức phụ trách các lĩnh vực, công việc liên quan kiếm tiền, hành dân.
Thậm chí có rất nhiều người đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để có được sổ hộ khẩu. Và đã có vô số câu chuyện dở khóc, dở cười liên quan sổ hộ khẩu. Ai cũng thấy từ bao năm nay sổ hộ khẩu thực sự là lực cản vô cùng lớn trong thực hiện các TTHC, trong quyền tiếp cận các loại dịch vụ công của người dân, tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng…
Thực tế, hộ khẩu tiện cho quản lý nhà nước, bởi nó cung cấp hệ thống thông tin về quá trình cư trú của người dân. Thế nhưng hệ thống đó chỉ hoạt động hiệu quả trong điều kiện “tĩnh”, tức khi người dân ít di chuyển nơi sinh sống. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất châu Á, việc quản lý nhiều lĩnh vực dựa vào hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành, quản lý xã hội và hội nhập quốc tế.
Nó cần được thay thế bằng những công cụ hiện đại, khoa học hơn nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cuộc sống người dân.
Quản lý nhân khẩu bằng mã số định danh cá nhân sẽ giúp mọi người được thực hiện đúng quyền hiến định, cụ thể người dân có quyền cư trú ở nơi họ muốn, có quyền làm việc ở những nơi phù hợp, có quyền học, khám chữa bệnh ở nơi người dân muốn... Theo đó, mỗi người dân có một mã số theo suốt cuộc đời, trong đó lý lịch được theo dõi qua hệ thống điện tử, thuận tiện cho việc quản lý của Nhà nước. Tất cả chỉ thông qua cái thẻ nhỏ gọn ai cũng có thể mang theo bên mình, tránh được những thông tin giả mạo.
Như vậy, trong tương lai không xa người dân sẽ không phải tất bật chạy đi photo rồi đến phường sao y, chứng thực. Từ đó, hồ sơ nhà đất sẽ nhẹ nhàng, chi phí giấy tờ cũng sẽ giảm đáng kể. Có số định danh cá nhân, người dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình khi thực hiện khoảng 1.300 thủ tục hành chính (TTHC), giúp tiết kiệm 1.600 tỷ đồng/năm.
Giống như chế độ tem phiếu thời bao cấp, khi tấm áo đã trở nên quá chật hẹp, không còn phù hợp người ta sẽ tự phải cởi bỏ. Giữa thời đại công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất gần mà vẫn còn phải “phấn đấu” toát mồ hôi mới có được hộ khẩu, đi đâu, làm gì cũng phải khư khư ôm theo thì không thể chấp nhận. Quyết định đổi mới phương thức quản lý con người trong ứng dụng công nghệ của Chính phủ còn có giá trị đột phá cho một sự phát triển mới ở tầng nấc cao hơn.
Đó là tiền đề, nền tảng cho Chính phủ điện tử, cho cải cách hành chính, cho tinh giản bộ máy, cho việc quản lý dân cư và hàng loạt vấn đề khác được minh bạch, khoa học hơn. Đặc biệt, việc này chính là mở màn cho sự đổi mới của Chính phủ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thay quản lý người dân từ một cuốn sổ giấy sang dữ liệu thông tin được số hóa, điều quan trọng nhất là sự phiền hà do thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu của đội ngũ công vụ hành chính không phụ thuộc cuốn sổ hộ khẩu bằng giấy hay điện tử. Vẫn biết, từ chủ trương đến lúc thực thi là cả một hành trình, nhưng hành trình ấy không cho phép chúng ta chần chừ và kéo dài vô định.
Bởi thực tế đã đòi hỏi cấp bách lắm rồi, chúng ta không thể làm khác. Vì thế, người dân mong muốn để ghi dấu ấn kiến tạo thực sự đòi hỏi những nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị, bãi bỏ những quy định hành chính thừa thãi, phức tạp, tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ công.