Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, khẳng định việc “đếm ca dương tính không còn ý nghĩa lớn nữa” không đồng nghĩa với việc ngừng quan tâm các ca mắc Covid-19 mới, bởi hiện TP đang áp dụng triệt để các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn nguồn lây.
Thay vào đó, TP quan tâm nhiều hơn đến số ca điều trị, số ca chuyển nặng, số ca tử vong để tập trung nguồn lực, giải pháp điều trị, cứu người. Những ngày qua, số lượng ca bệnh cần điều trị, chuyển nặng và nặng hơn ngày càng tăng trong khi trang thiết bị, nhân lực có giới hạn, tạo áp lực rất lớn cho công tác điều trị. Trong 5 tầng điều trị thì tầng 3 và tầng 4 đang chịu nhiều áp lực, hoạt động hết công suất.
Về giải pháp cụ thể, TP đã mở rộng, tăng cường trang thiết bị cho công tác cấp cứu, nâng công suất các bệnh viện (BV) thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19; đồng thời chuyển thêm 3 BV thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 sang tầng chuyên về điều trị, dự kiến cuối tháng 8.2021 sẽ có thêm 1.000 giường.
Đối với 4 BV hồi sức Covid-19 ở tầng 5, TP đang đẩy nhanh việc mở rộng BV Ung bướu cơ sở 2 (TP.Thủ Đức) nâng công suất 1.000 giường như kế hoạch.
Về việc sử dụng test nhanh đang được người dân và doanh nghiệp quan tâm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết trên thị trường hiện có nhiều loại test nhanh, độ chính xác phụ thuộc kỹ thuật lấy mẫu, thời điểm lấy mẫu…
Theo ông Đức, test nhanh được xếp vào trang thiết bị y tế, được bán ở các nhà thuốc và cơ sở được cấp phép. Hiện nay có nhiều test nhanh rao bán trên mạng xã hội nên người dân cần lưu ý chỉ nên mua các sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Khi sử dụng, nếu kết quả nghi ngờ dương tính thì người dân nên bình tĩnh, liên hệ trạm y tế hoặc trung tâm y tế để được hỗ trợ.
Nếu kết quả âm tính thì cũng không thể chủ quan bởi có thể sai số, đồng thời tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch 5K của Bộ Y tế. Khi bản thân có triệu chứng, dấu hiệu mắc Covid-19 thì liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.