Vất vả mưu sinh
Từ cuối tháng 2 đến nay, các tỉnh Nam bộ đang ở trong giai cuối mùa khô, thời tiết tại TP.HCM và các khu vực lân cận nắng nóng gay gắt, nhiều lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C.
Thời tiết khắc nghiệt khiến ai cũng muốn trốn nắng, nhưng có những nghề bắt buộc phải ở ngoài đường nhiều giờ liền. Trên những nẻo đường tại Thành phố, rất dễ bắt gặp những người bán hàng, đạp xích lô, bốc vác, lao công, thợ xây…. phải oằn mình làm việc dưới thời tiết oi bức. Không khó để bắt gặp những ánh mắt mệt mỏi, lưng áo ướt đẫm mồ hôi của những người lao động này.
Gần 20 năm bán nước tại vỉa hè trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3), bà Trần Thị Kim Cương thường xuyên phải chịu đựng cái nóng như “chảo lửa” để bán hàng. Tuy nhiên, chưa có năm nào nóng như năm nay.
Bà Kim Cương tranh thủ chợp mắt vào buổi chiều khi đang vắng khách (Ảnh: Hoàng Minh)
Ngồi bán hàng từ sáng đến tối, bà Cương vừa phải hứng nắng từ trên trời chiếu xuống, vừa chịu nhiệt từ đường nhựa bốc lên khiến bà cảm thấy mệt mỏi, muốn về nghỉ nhưng không thể vì sau bữa ăn trưa là lúc nhân viên văn phòng, người lao động ra uống nước.
Bà Cương cho biết, những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, nhiều lúc bà bị say nắng, có lần ốm không thể bán được hàng.
"Buổi trưa khoảng tử 12 giờ đến 2 giờ chiều rất nắng lại không có gió. Tôi ngồi ở đây không có một tia gió nào luôn làm mình ngột ngạt, khó thở, mệt mỏi và mất nước nhiều lắm, thành ra cũng chỉ cố gắng hết sức, vì cuộc sống mưu sinh mình phải làm" - bà Cương chia sẻ.
Bà Trần Thị Kim Cương chia sẻ, năm nay tuổi đã ngoài 60 tuổi, sức khỏe giảm sút nhưng bà vẫn phải bám trụ với công việc để có thể trang trải chi phí sinh hoạt, ít nhất là cho đến khi con gái học xong. Bà Cương có 2 con, con gái lớn bị bệnh từ nhỏ và không có khả năng lao động, con gái nhỏ đang học đại học nên gánh nặng cơm áo đối với bà vẫn còn nặng nề, do lớn tuổi nên bà rất khó tìm việc làm khác.
Thời tiết nóng bức khiến cuộc sống của người lao động vốn đã gian nan lại càng cực hơn, nhất là với những công nhân xây dựng. Dọc các công trường đầy nắng và bụi, nhiều người mồ hôi nhễ nhại vẫn làm việc dưới trời nắng gắt. Cứ khoảng 30 phút, những người công nhân này lại dừng tay, ra uống cốc nước lạnh. Dù rất mệt nhưng họ vẫn phải nỗ lực thi công để kịp hoàn thiện dự án đúng thời hạn và có tiền để lo cho gia đình.
Nắng nóng gay gắt khiến những công nhân vệ sinh thêm vất vả (Ảnh: Hoàng Minh)
Anh Vũ Văn Tuấn (ngụ Quận 12) chia sẻ, anh rời quê vào Nam làm nghề xây dựng hơn 10 năm nay, chưa bao giờ anh thấy TP.HCM nóng như lúc này. Những ngày qua, tại quán nước ở gần các công trường thường xuyên đông đúc vì thời tiết khắc nghiệt. Do nhu cầu tăng cao nên tổ hậu cần dù đã chuẩn bị rất nhiều nước và đá lạnh cho thợ nhưng vẫn có lúc vẫn thiếu.
Khi được hỏi về việc chọn một nghề khác bớt vất vả hơn, anh Tuấn khẳng định dù sao vẫn muốn gắn bó với nghề công nhân xây dựng. Anh Tuấn tin tưởng mình sẽ vượt qua được khó khăn, không chỉ để có tiền gửi về gia đình dưới quê mà còn mong ước được xây nên những tòa nhà cao tầng hay các công trình phục vụ cho người dân.
Giữa trưa nắng là thời điểm các tài xế xe ôm công nghệ bận rộn nhất vì phải giao thức ăn (Ảnh: Hoàng Minh)
Anh Vũ Văn Tuấn bày tỏ: "Lao động thì đều vất vả hết, phải chịu nắng mưa nhưng rồi cũng sẽ quen. Mỗi người một nghề thôi, quan trọng là mình giữ được sức khỏe chứ nắng nóng thì phải chịu, cũng vì kiếm đồng tiền, miếng cơm, cuộc sống mà. Mỗi người một ngành nghề, mình làm nghề nào theo nghề đó thôi chứ mình chuyển sang làm những nghề nhẹ nhàng thì việc vất vả sẽ dành cho ai, làm sao có được những tòa nhà cao tầng, hay các công trình xây dựng".
Cần mẫn lượm ve chai dưới trời nắng như đổ lửa (Ảnh: Hoàng Minh) Nghỉ trưa ở bờ sông, gầm cầu
Nắng nóng kéo dài không chỉ khiến người lao động mệt mỏi, mất nước khi làm việc, mà họ cũng khó lòng được nghỉ ngơi đúng nghĩa. Đi dọc chân cầu Ba Son (Quận 1) vào những buổi trưa, một hình ảnh quen thuộc là nhiều người lái xe ôm, bán ve chai, công nhân xây dựng,… ra mắc võng, trải chiếu năm nghỉ ngay dưới chân cầu. Phần lớn những người lao động này cho biết, phòng trọ nơi họ thuê ở cách xa không tiện về, hoặc quá nóng bức vào buổi trưa nên có về cũng không thể ngủ.
Anh Lê Văn Tú (lái xe ôm công nghệ) chia sẻ, phòng trọ anh mướn lợp mái tôn nên hấp thụ nhiệt cao. Mặc dù chỗ trọ ở gần cầu Ba Son nhưng suốt một tháng qua, buổi trưa anh Tú không về nhà mà ra chân cầu mắc võng nằm ngủ.
Công nhân xây dựng đang làm việc tại dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (Ảnh: Hoàng Minh)
Anh Tú bày tỏ: "Thường buổi trưa trời nắng là thời gian cao điểm khách đặt rất nhiều đồ ăn. Chạy Grab thì suốt ngày ngoài đường, nắng nóng, kẹt xe rất mệt. Mà cứ mệt thì mình lại ghé đây mắc võng nghỉ trưa. Ở đây mát, tiện đi lại nên nghỉ ngơi 1 chút là mình dậy đi làm".
Thạc sĩ Lê Đình Quyết - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho hay, những ngày tới, thời tiết nắng nóng ở TP.HCM vẫn tiếp tục kéo dài do chịu tác động của áp thấp nóng phía tây mở rộng và áp cao cận nhiệt đới. Trong hai ngày tiếp theo, khả năng sẽ có một vài cơn mưa nhỏ diễn ra nhanh chóng tại một vài nơi trên địa bàn Thành phố. Nhưng ngay sau đó, trời sẽ nắng nóng trở lại với nhiệt độ cao nhất dao động khoảng 38 độ C.
Tranh thủ nghỉ ngơi tại công trường (Ảnh: Hoàng Minh)
Ông Lê Đình Quyết thông tin, trời nắng to với hàm lượng bức xạ UV cao không chỉ gây say nắng hay mất nước mà còn ảnh hưởng đến làn da của những người lao động làm việc ngoài trời.
Bởi vậy ông Quyết lưu ý: "Những người làm việc nhiều ngoài trời cần trang bị đầy đủ về bảo hộ lao động, mũ nón, khẩu trang. Không nên làm việc liên tục quá lâu ngoài trời nắng, cần nghỉ ngơi 5-7 phút xong lại tiếp tục làm việc sẽ đảm bảo hơn. Trong những ngày tới có khả năng sẽ xuất hiện những trận mưa trái mùa. Nước mưa thời điểm này còn cuốn theo những chất ô nhiễm trong không khí nên nước mưa này không nên dùng cho sinh hoạt".
Nhiều người lao động đang mong chờ sắp tới thời tiết sẽ mát dịu hơn để họ không còn chịu cảnh vật vã dưới trời nắng nóng, để công việc mưu sinh bớt nhọc nhằn.