Các mặt hàng phục vụ cuối năm và Tết Nguyên đán đã được các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội dữ trữ khá dồi dào.
Đặc biệt những mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt lợn dù bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi, song dự báo sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp cao điểm cuối năm.
Nguồn cung dồi dào
Do Tết Nguyên đán năm nay đến sớm, chỉ cách dịp Tết Dương lịch chưa đến 1 tháng, kéo theo nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân sẽ tăng cao nên việc triển khai kế hoạch về cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu là rất cần thiết.
Ngay từ tháng 11, hàng loạt các chương trình như: Tháng khuyến mại Hà Nội, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam… đã được thành phố tổ chức nhằm cung cấp thêm nhiều đặc sản và hàng hóa cho người tiêu dùng Thủ đô.
Các sản phẩm này đều có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận VietGAP, xác nhận chuỗi thực phẩm an toàn… Tất cả các thông tin liên quan đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm được niêm yết công khai và giữ nguyên giá sau khi sản phẩm được kết nối, tiêu thụ tại Hà Nội.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất thực phẩm chế biến.
Hiện, có 22 doanh nghiệp, đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường; dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa bình ổn thị trường phục vụ dịp Tết với tổng giá trị hơn 18.000 tỷ đồng. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn bảo đảm theo nhu cầu gồm: 6.034 tấn thịt lợn; 492 tấn thịt gà; 63 triệu quả trứng gia cầm.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết tăng 10-25% so với cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị tiền hàng khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Hapro cho biết, doanh nghiệp này đã tăng dự trữ hàng hóa 30-50% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông, để chuẩn bị hàng hóa Tết, doanh nghiệp đã ký kết với các đơn vị cung cấp lớn như: Vissan, Anh Hoàng Thy, Meat Hà Nam… nhằm bảo đảm nguồn cung dự kiến khoảng 3.500-4.500 tấn thịt lợn an toàn, có giá tốt cho thị trường Hà Nội từ nay đến sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
Còn ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho hay siêu thị đã dự trữ tổng lượng hàng hóa tăng 30%, trong đó có khoảng 300-500 tấn thịt lợn, gà.
“Chúng tôi kết hợp với các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Yên Bái... tổ chức các tuần hàng nông sản tại hệ thống siêu thị của Big C trên địa bàn Hà Nội đồng thời bảo đảm không tăng giá nhiều mặt hàng trong dịp Tết,” ông Hà cho hay.
Cân đối đủ thịt lợn
Liên quan đến mặt hàng thực phẩm, bà Trần Thị Phương Lan thông tin, nhu cầu thịt lợn của người dân trong dịp Tết là khoảng 22.300 tấn lợn hơi/tháng, tăng khoảng 18% đến 20% so với các tháng khác.
Tuy vậy, bà Lan cũng khẳng định, nguồn cung mặt hàng thịt lợn đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Cụ thể, sản lượng thịt lợn xuất chuồng của tháng 12/2019 tăng so với tháng trước, do số lượng lợn đến lứa xuất chuồng và nhu cầu của người dân tăng cao nên các đơn vị giết mổ tăng cường thu mua lợn từ các nguồn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng khẳng định sẽ bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết, qua đó góp phần ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý.
Ngoài ra, để dự trữ thực phẩm tươi sống, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, các doanh nghiệp bán lẻ như BigC, Co.opmart, Vincommerce, Hapro đã chuẩn bị hệ thống kho lạnh để dự trữ hàng hóa.
Đáng chú ý, ngoài việc khai thác nguồn hàng tại các tỉnh phía Bắc, nhiều siêu thị đã lên phương án để sẵn sàng vận chuyển một lượng lớn thịt lợn từ thị trường phía Nam đưa ra tiêu thụ tại Hà Nội.
Là đơn vị cung cấp cho Hà Nội mỗi tháng 300 tấn thịt lợn tươi sống và dự kiến dịp Tết sẽ tăng sản lượng thêm 50%, ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thực phẩm chế biến Nam Hà Nội cho biết đơn vị này đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng nên bảo đảm không thiếu nguồn cung thịt lợn và đang cung cấp cho nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố.
Trong khi ông Nguyễn Đình Tường, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) cũng thông tin hiện hợp tác xã có 7 trang trại chăn nuôi với quy mô 2.000 con lợn và đang tăng số đầu con lên 10%, cung ứng 40 tấn thịt lợn an toàn sinh học dịp Tết này với giá ổn định đã ký kết với các công ty, siêu thị...
Để tránh tình trạng người chăn nuôi, tiểu thương kinh doanh găm hàng, đẩy giá, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát thị trường, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.