Khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã xảy ra cháy từ khoảng 14h ngày 19/2, đến trưa ngày 20/2 vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Điểm cháy nằm ở độ cao khoảng 1900m so với mực nước biển, lớp thực bì rất dày.
Nguyên nhân thứ 1 khiến ngọn lửa lan nhanh là do sau đợt băng giá cuối tháng 12 năm ngoái, cây cỏ và cây bụi đã bị chết hàng loạt, những ngày khô nắng sau đó đã khiến chúng trở nên khô và dễ cháy.
Nguyên nhân thứ 2 là vào thời điểm này, ở vườn quốc gia Hoàng Liên thường xuất hiện 1 loại gió địa phương có tên là gió ô Quy Hồ. Đây là hiệu ứng gió phơn, mang đặc điểm khô nóng và rất mạnh, thổi từ đèo Ô Quy Hồ xuống trung tâm thị xã Sa Pa và các vùng lân cận.
Tại Sa Pa đã quan trắc được gió từ 12-19km/h, độ ẩm giảm còn 33% và nhiệt độ cao tới 22,3 độ - 1 mức nhiệt cao hơn hẳn so với ngày thường. Đây là biểu hiện rõ nhất cho sự tồn tại của gió Ô Quy Hồ. Tại nơi xảy ra cháy nằm ở độ cao 1900m, gió còn thổi mạnh hơn và đổi hướng liên tục khiến ngọn lửa lan rộng, công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Theo dự báo gió nóng Ô Quy Hồ sẽ còn duy trì đến hết ngày 22/2. Tại Sa Pa nhiệt độ vẫn cao 23 độ kèm độ ẩm từ 35-37%. Trời nắng ít mây. Sang ngày 23/2 có không khí lạnh về thì gió ô Quy Hồ sẽ suy yếu.
Dự báo gió Ô Quy Hồ còn kéo dài đến ngày 22/2
Theo Cục Kiểm Lâm, nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên, Nam Bộ và Nam Trung Bộ cũng đang có nguy cơ cháy cao do các khu vực này đang trong cao điểm mùa khô, nắng khô nhiều ngày liên tiếp. Các diện tích rừng ở U Minh Thượng của Kiên Giang, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú của An Giang và Ninh Thuận, Bình Thuận đã lên mức cảnh báo cháy cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Ngoài ra, các cánh rừng ở Đồng Tháp, Cà Mau và Tây Nguyên cũng có nguy cơ cháy cấp 4. Bà con cần dừng việc sử dụng lửa trong và gần rừng thời gian này.