Nhà đầu tư hốt hoảng vì Pi biến mất

(ĐTTCO)-Hôm qua 21.12, nhiều người dùng hốt hoảng khi ứng dụng Pi Network đột ngột biến mất trên kho ứng dụng của Google. Điều này càng dấy lên những ý kiến nghi ngờ về tình trạng lừa đảo của dự án đào tiền số này.
Ứng dụng Pi Network trên kho Google Play Store đã không còn
Ứng dụng Pi Network trên kho Google Play Store đã không còn

Sau gần 3 năm, đồng Pi vẫn có giá trị bằng 0

Ứng dụng hỗ trợ "đào" Pi Network đã bất ngờ biến mất khỏi kho ứng dụng Google Play Store (CH Play) ngày 21.12 gây nên nhiều tranh cãi của các thành viên trong cộng đồng tiền kỹ thuật số. Khi truy cập CH Play, tìm kiếm Pi Network thì không tìm thấy ứng dụng này, thay vào đó là ứng dụng Pi Browser.

Còn trên mục tìm kiếm Google Play, xuất hiện dòng chữ “Rất tiếc, không tìm thấy URL được yêu cầu trên máy chủ này”. Trong khi đó, ứng dụng Pi Network vẫn có mặt trên kho ứng dụng App Store của hệ điều hành iOS.

Nhiều thuyết âm mưu đặt ra cho sự “bay màu” của Pi Network trên ứng dụng CH Play. Trong đó không ngoại trừ lập luận cho rằng đội ngũ phát triển đang chuẩn bị đưa hoạt động trên mạng chính thức. Dự án Pi Network gây tranh cãi trong 2 năm qua khi tạo nên một cơn sốt phủ sóng mọi mặt trận từ Facebook, Zalo, TikTok, YouTube…

Pi Network là một loại tiền điện tử, chỉ khai thác được trên thiết bị di động tương tự một dự án đã được ra mắt trước đây là Electroneum (ETN). Điểm khác biệt của Pi Network nằm ở khả năng đào Pi nhưng không tốn tài nguyên thiết bị như các ứng dụng khai thác coin miễn phí khác, cũng như không phải bỏ ra một số vốn đầu tư nhưng được “đồn” đến lúc nào đó nó sẽ thay thế cả đồng Bitcoin.

Thậm chí, có bài viết liệt kê cụ thể như mỗi người có thể đào được 6 Pi/ngày, tương đương 1 năm được 2.160 Pi. Nếu Pi lên sàn với giá 10 USD thì người đào sẽ bỏ túi 21.600 USD.

Thực tế, mỗi điện thoại vào đầu năm nay chỉ mặc định đào được 0,12 Pi/giờ, tương đương khoảng 2,88 Pi/ngày. Để đào được Pi, người dùng cần tải ứng dụng Pi Network về điện thoại và nhập thông tin cá nhân, nhập mã mời của thành viên khác để “tăng lớp bảo mật và tốc độ đào Pi”.

Quan trọng nhất là sau khi tạo tài khoản Pi, người dùng phải thực hiện xác thực danh tính cá nhân gồm ảnh chụp hộ chiếu, số điện thoại, email... Nhưng sau gần 3 năm ra mắt, giá trị của đồng Pi vẫn là 0 nên nhiều người đã từ bỏ việc tham gia đào trên điện thoại.

Gần đây, nhiều người đã quay trở lại đào Pi sau khi có các tin đồn rằng tiền ảo này sắp có giá trị quy đổi vì sắp được công bố chính thức. Thế nên, việc biến mất hôm qua khiến rất nhiều tín đồ của Pi hốt hoảng và thất vọng.

Trước khi biến mất, ứng dụng Pi Network từ vị trí ngoài top 100, trong tháng 11 vươn lên thứ 7 trên Google Play Store về số lượt tải, và thứ 13 trên App Store Việt Nam. Còn thống kê của Similarweb tháng 11 cho thấy, tỷ lệ truy cập vào website Pi Network từ các địa chỉ IP từ Việt Nam tăng 58%.

Lừa đảo liên quan tiền số tăng vọt

Thông tin cá nhân của hàng chục triệu người đã tham gia và cài đặt ứng dụng Pi Network sẽ là “tài nguyên” vô tận cho những người làm dự án. Có thể một lúc nào đó họ sẽ khai thác tài nguyên đó mà bản thân người tham gia Pi Network cũng không hề hay biết...

TS Lê Đạt Chí
Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Ngay khi cộng đồng đào Pi tại Việt Nam phát triển mạnh vào đầu năm nay, nhiều chuyên gia nghiên cứu về công nghệ blockchain, tiền số… đã cảnh báo những vấn đề mờ ám của hệ thống này. Đó là việc không công khai minh bạch hệ thống (trái ngược với Bitcoin đều là hệ thống mở).

Đồng Pi thực chất được sinh ra từ việc điểm danh và thưởng giới thiệu thành viên cùng sự ban phát hay cấp phát của chủ dự án. Do là một hệ thống đóng nên không ai biết nó sinh ra như thế nào và có thể số lượng Pi được đưa ra sẽ là bao nhiêu...

Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thông tin cá nhân của hàng chục triệu người đã tham gia và cài đặt ứng dụng Pi Network sẽ là “tài nguyên” vô tận cho những người làm dự án.

Có thể một lúc nào đó họ sẽ khai thác tài nguyên đó mà bản thân người tham gia Pi Network cũng không hề hay biết thông tin cá nhân của mình đã được sử dụng như thế nào, thậm chí có thể dính đến những vụ lừa đảo khác mà tưởng chừng không liên quan.

“Tất cả các sàn tiền số tại Việt Nam đều là bất hợp pháp. Người tham gia cần phải có sự hiểu biết cơ bản về đầu tư tài chính. Chẳng hạn, một dự án dựa trên công nghệ blockchain trong nước có thể phát triển vì còn khả năng tin tưởng.

Nhưng đối với các dự án của nước ngoài rồi lại giới thiệu hứa hẹn có lãi cao hay không làm gì mà vẫn có tiền là điều quá vô lý và chúng ta cũng không thể thẩm định được thật hay giả, người tạo ra là ai… Tương tự, với những sàn forex, đầu tư chứng khoán quốc tế khác thì hầu hết cũng chỉ do người Việt tham gia, nhận tiền qua tài khoản cá nhân nên thường nhà đầu tư nộp vào thì dễ nhưng rút ra sẽ khó.

Khi nhận ra bị sập bẫy thì đã mất hết tiền. Vì vậy, bản thân mỗi người đều phải thận trọng, tìm hiểu kỹ trước bất kỳ hoạt động đầu tư nào khi rót vốn vào tham gia”, TS Lê Đạt Chí chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty luật Hợp danh Nghiêm & Chính, cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định không chấp nhận, không thừa nhận tiền số tại Việt Nam.

Vì vậy, bất kỳ giao dịch, mua bán liên quan đến tiền số dù là trên không gian mạng cũng được xem là bất hợp pháp. Do đó khi tham gia, bản thân người đầu tư phải gánh chịu toàn bộ rủi ro. Khi đã phát hiện lừa đảo thì dù có tố giác, ngành công an cũng chỉ xử lý những cá nhân hay tổ chức lừa đảo và cũng không thể thu hồi lại tiền được.

Do đó, vị luật sư này nhấn mạnh, bản thân mỗi người phải kiểm soát và kiềm chế lòng tham, cảnh giác cao đối với những lời chào mời tham gia các dự án đầu tư có lãi cao lên đến 30 - 40%/tháng hay theo kiểu không cần làm gì vẫn có tiền hằng ngày...

Các hình thức lừa đảo trên thị trường tiền mã hóa đang tăng mạnh

Theo Công ty phân tích blockchain hàng đầu Chainalysis, những kẻ lừa đảo tiền mã hóa trên toàn thế giới đã chiếm đoạt gần 8 tỉ USD trong năm 2021, tăng 81% so với năm 2020. Trong đó, những vụ lừa đảo theo hình thức “rug pull” (rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn) đang ở mức cao kỷ lục, chiếm 37% vụ lừa đảo, khiến nạn nhân thiệt hại 2,8 tỉ USD. Đó là những người phát triển một dự án bỏ đi đột ngột và mang theo tiền của nhà đầu tư. Đây là hình thức lừa đảo khá phổ biến trong giới tiền mã hóa, nhất là với những dự án tài chính phi tập trung (DeFi), khi mà toàn bộ các giao dịch được tiến hành bằng những đoạn code chứ không có một tổ chức nào quản lý. Vụ lớn nhất là sàn tiền mã hóa Thodex ở Thổ Nhĩ Kỳ “sập” đã gây thiệt hại 2 tỉ USD, nhà đầu tư không thể truy cập vào tài khoản của mình trên sàn này.

Các tin khác