Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có tài sản bảo đảm là cổ phiếu nên tỉnh táo

(ĐTTCO) - Trong bối cảnh hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ, không ít nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có tài sản bảo đảm là cổ phiếu có tâm lý bán tháo cổ phiếu ngay và luôn trên thị trường, vớt vát được đồng nào hay đồng đó, chấp nhận một mức chiết khấu rất cao bất chấp thị trường suy thoái để tránh rủi ro kéo dài. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết điều này có thể đẩy nhà đầu tư mất trắng…
Nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu có tài sản bảo đảm là cổ phiếu nên tỉnh táo

Nhìn từ bài học của Trung Quốc

Thực tế chung của thị trường Việt Nam, vốn vẫn còn bị chi phối theo tâm lý đám đông, cho thấy khi tín hiệu bán tháo bật lên, cộng hưởng với “tin đồn”, thì sẽ diễn ra tình trạng cùng đua nhau bán tháo. Nó tương tự chiều ngược lại, khi thị trường nổi sóng, hàng loạt nhà đầu tư F1 với tâm lý FOMO sẽ xuất hiện và sẵn sàng giải ngân với hầu hết các cổ phiếu “ba chữ cái”.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings nhận định: Thực tế thị trường chứng khoán Việt Nam đã có lịch sử phát triển gần 30 năm, nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ mới bùng nổ khoảng 5 năm trở lại đây, trong đó, 2-3 năm gần nhất nhà đầu tư trở nên quen thuộc với trái phiếu. Cũng do đó nên việc đánh giá, đo lường sức mạnh liên thông của trái phiếu và cổ phiếu là còn khá mới mẻ với nhiều người.

Trong khi đó ở Trung Quốc đây là câu chuyện đã xảy ra sớm hơn và sức ảnh hưởng còn lớn hơn nhiều so với thị trường của ta. Chẳng hạn như vào 2021 khi Evergrande Group vỡ nợ kỹ thuật, cổ phiếu lập tức mất giá hơn 70%, lãi suất trái phiếu (yield bond rate) lên tới 4.000%. Nó cho thấy chứng khoán và trái phiếu là “bình thông nhau”, có mối liên thông rất chặt chẽ. Nó cũng dẫn đến những câu chuyện về việc ứng xử với cổ phiếu doanh nghiệp - tài sản bảo đảm của trái phiếu của nhiều doanh nghiệp - ra sao khi doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ, là phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý nhà đầu tư.

“Về mặt nguyên tắc chung, nhà đầu tư trái chủ có thể xem xét cân nhắc bán cổ phiếu theo như quyền lợi của trái chủ. Tuy nhiên nên tùy từng trường hợp mà xem xét và ra quyết định sao cho có lợi nhất. Các trái chủ hoàn toàn có thể cân nhắc xem xét trên chất lượng tín dụng của doanh nghiệp, đánh giá tài chính và triển vọng phục hồi (hoặc không) của doanh nghiệp. Trong trường hợp cần đánh giá chuyên sâu, có thể yêu cầu đơn vị đại diện cho các trái chủ thực hiện hoặc nếu trái chủ là tổ chức, nên thuê dịch vụ tư vấn, đánh giá chuyên nghiệp. Từ đó, mới đưa ra quyết định sau cùng”, ông Nguyễn Quang Thuân nói.

Giải pháp tình thế

Trên thị trường gần đây, đã xuất hiện nhiều trường hợp doanh nghiệp đàm phán được với các nhà đầu tư qua hội nghị trái chủ để giãn, hoãn thời thanh toán nợ, doanh nghiệp có thể cam kết trả thêm lãi theo biên độ, cộng vào trên lãi suất trái phiếu + gốc khi đến kỳ đáo hạn mới. AGM hay Đầu tư và Xây dựng Vina 2, là ví dụ.

Hay cũng có một số doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện đàm phán “hàng đổi hàng”, được trái chủ đồng ý hoán đổi tài sản, thanh toán nợ trái phiếu bằng chuyển đổi thành vốn góp/ cổ phần như Novaland với Dallas Vietnam Gamma Ltd; hoặc ngược lại không chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu mà chuyển một phần khoản trái phiếu thành khoản nợ với kỳ hạn thanh toán cuối cùng như BCG Energy với Hanwha Energy…;

Cũng có trường hợp nhà phát hành thuyết phục được trái chủ cho thêm thời gian để thu xếp vốn, chủ doanh nghiệp rót thêm vốn đảm bảo nghĩa vụ nợ và tái cơ cấu phục hồi doanh nghiệp, đưa định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu có cơ hội “lên đời”, như Bệnh viện Thái Nguyên, Golden Gate…. Qua đó, theo xu hướng thị trường sẽ hoàn trả lại giá trị danh mục đầu tư lẫn đảm bảo giá trị giấy tờ có giá của trái chủ.v.v

Các trái chủ nhà đầu tư nắm trái phiếu có tài sản bảo đảm là cổ phiếu vì vậy hơn lúc nào, cần có sự bình tĩnh để tìm tiếng nói chung trên bàn đàm phán cùng tổ chức phát hành. Nếu cộng hưởng cùng các chính sách theo hướng gỡ khó chung cho thị trường sớm được ban hành, việc tìm tiếng nói chung sao cho để thu hồi vốn tốt nhất cho nhà đầu tư và cũng là để doanh nghiệp có khả năng lo trả nợ, càng có ý nghĩa.

Một lưu ý cần quan tâm là trong trường hợp nhà đầu tư chọn phương án bán tháo cổ phiếu khi thị trường xuống giá, số tiền thu được khi xử lý tài sản bảo đảm vẫn không đủ để thanh toán nghĩa vụ của tổ chức phát hành theo trái phiếu, thì phần nghĩa vụ còn lại chưa thanh toán sẽ có thứ tự thanh toán ngang bằng với các nghĩa vụ chung, không phải là nợ thứ cấp và không có bảo đảm hiện tại hoặc tương lai khác của doanh nghiệp đã phát hành. Tức, cơ hội thu hồi vốn và đảm bảo đòi nợ (trong trường hợp trả nợ theo thứ tự khi doanh nghiệp phá sản), sẽ rất hẹp.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang rất mong chờ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP do Bộ tài chính trình duyệt sửa đổi sớm được ban hành để giải quyết phần nào đó khó khăn trước mắt khi nhiều doanh nghiệp đầu ngành đang đối mặt với việc thanh toán trái phiếu sắp đến hạn.

Ước tính, ngành bất động sản hiện chiếm 59% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, lượng trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023 khoảng 130.000 tỷ đồng và 2024 khoảng 120.000 tỷ đồng.

Theo Bộ tài chính, các quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP là đúng đắn, sẽ sửa đổi trên tinh thần giãn thời gian áp dụng một số quy định để hỗ trợ cả bên cung và bên cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Thời điểm hiện tại, trái phiếu đến kỳ tất toán, bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải trả cả tiền gốc và lãi cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, trước hiệu ứng sụt giảm lòng tin của thị trường, năm vừa qua, doanh nghiệp lại không được phát hành trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ, đảo nợ, trước thế “khó chồng khó”, các doanh nghiệp Bất động sản đang gặp áp lực về dòng tiền rất lớn.

Các tin khác