“House” có thể được dịch ngắn gọn là “nhà” - một không gian vật lý hữu hình còn “Home” là “tổ ấm”, nơi chúng ta cảm thấy an toàn, thoải mái và được yêu thương. Sự khác biệt giữa 2 từ này có thể được giải thích thêm trong các ngữ cảnh khác nhau. Tuy nhiên, dường như người Anh vẫn dùng từ “Home” để nói về cả ngôi nhà, tổ ấm và bất cứ những gì nằm sâu trong cảm xúc riêng biệt của từng cá nhân.
Theo từ điển tài chính trực tuyến Investopedia, “nhà” là nơi thường trú của một người đang sinh sống hoặc có ý định quay trở lại sinh sống. Mặc dù chứa đầy ý nghĩa tình cảm, nhưng một ngôi nhà có những ý nghĩa pháp lý cụ thể được sử dụng để xác định nhiều thứ, từ nghĩa vụ thuế đến tình trạng của một người ở quốc gia họ cư trú. Nếu một người sở hữu nhiều hơn một ngôi nhà, chẳng hạn như nhà nghỉ hoặc bất động sản đầu tư, thì nơi cư trú chính là địa điểm sẽ được coi là nhà hợp pháp. Tình trạng pháp lý này sẽ ảnh hưởng đến cách người này nộp thuế đối với tài sản.
Nữ thi sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Phi Maya Angelou, người phụ nữ da màu đầu tiên được Chính phủ Mỹ khắc hình lên phiên bản mới của đồng 25 xu, cho rằng việc tìm hiểu về quê hương mình đã giúp bà hiểu hơn về bản thân và những con người khác. Trong tập sách mang tựa đề “Thư gửi con gái tôi”, bà viết: “Tôi tin rằng người ta không bao giờ có thể rời khỏi nhà mình. Tôi tin rằng ai cũng mang bóng tối, những giấc mơ, nỗi sợ hãi và những con rồng của ngôi nhà dưới làn da của mình… Chúng ta mang theo sự tích tụ của nhiều năm trong cơ thể và trên khuôn mặt của mình, nhưng nhìn chung con người thật của chúng ta, những đứa trẻ bên trong, vẫn ngây thơ và nhút nhát như những chú chim chích chòe”.
Với kẻ đã sinh sống và làm việc nơi đất khách quê người như tôi, nếu “nhà” là khái niệm hữu hình bao hàm nhiều thứ vui tươi và sống động, có lẽ tôi đã ở và “sở hữu” nhiều nhà. Nhưng nếu nhà là nơi trú ngụ của con tim, nơi bản thân tôi cảm thấy thuộc về, nơi tôi cảm thấy được định hướng rõ rệt trong không gian và thời gian, câu trả lời không đơn giản.
Mặc dù đã có nơi ở ổn định, an cư lạc nghiệp, cuộc sống nói chung không có gì đáng phàn nàn, nhà vẫn còn là khái niệm khó nắm bắt. Và cả khái niệm về Singapore với tư cách là một quốc gia cũng là dấu chấm hỏi to tướng.
Tại Singapore, hàng năm cứ đến đầu tháng Tám người dân lại nô nức chờ đón Cuộc diễu hành Ngày Quốc khánh (National Day Parade). Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo và chính phủ ý thức rõ rằng, sự nghiệp xây dựng quốc gia vẫn đang trong quá trình được tiến hành để làm sâu sắc thêm khái niệm “quê hương” cho người dân đảo Sư tử. Trước khi Singapore được (hay bị) độc lập sau khi tách ra khỏi Liên bang Mã Lai vào ngày 9-8-1965, nhiều người dân không coi đây là quê hương mà chỉ là trạm dừng chân trên con đường tìm kiếm thịnh vượng cho gia đình mình còn đang ở cố quốc.
Lịch sử cho thấy Singapore là mảnh đất của những người đến đây với mong muốn trở về những ngôi nhà xa xôi họ đã rời xa như Ấn Độ, Trung Quốc hay nhiều nước khác trong khu vực. Ngay cả những người tiên phong đến Singapore như Tan Kah Kee, một thương gia, nhà hoạt động, nhà từ thiện và nhà lãnh đạo nổi bật trong cộng đồng Hoa kiều ở Đông Nam Á vào thế kỷ 20, hay một số một người tham gia sáng lập khác của Singapore hiện đại, cũng coi Trung Quốc là ngôi nhà tinh thần của mình, xây dựng trường học và bệnh viện ở đó, ngay cả khi họ sống ở Singapore. Singapore là một quê hương, là một bản sắc. Đó là khái niệm khá mới mẻ và mới xuất hiện trong vài thập niên qua.
Sau 57 năm độc lập, giờ đây Singapore đã sở hữu cho mình bản sắc riêng, được tạo nên bởi các sắc tộc và tôn giáo đa dạng cùng tồn tại liền mạch trong lịch sử với các cuộc đối thoại, chính sách, tương tác xã hội và cả trong ẩm thực và địa danh. Người Singapore có những đặc điểm chung trong lời ăn tiếng nói, cùng chia sẻ các giá trị họ chấp nhận, cũng như chào đón người khác đến từ các nguồn gốc khác nhau. Đối với nhiều người từ phương Tây muốn tìm kiếm vị trí của mình ở châu Á, Singapore vừa là điểm xuất phát vừa là điểm đến tuyệt vời xét về khía cạnh vật chất và văn hóa.
Singapore được ảnh hưởng sâu sắc bởi lịch sử chia sẻ với phương Tây, nhất là với người Anh. Tại Singapore có những ngôi chùa Phật giáo ngay bên cạnh cửa hàng lấy cảm hứng từ Anh, nhà thờ Hồi giáo bên cạnh những quán bánh mì kẹp thịt, thậm chí cả những cửa hàng mì tôm biến thành quán bia thủ công vào ban đêm.
Nhiều người nước ngoài đến Singapore đã bắt đầu gọi Singapore là “nhà” dù nơi đây nóng nực và ẩm ướt quanh năm Sự hào phóng bao trùm về mặt văn hóa đã giúp nhiều người nước ngoài, nhất là từ phương Tây nhanh chóng hòa nhập. Kết cấu đa văn hóa được chấp nhận của xã hội Singapore đã giúp các cộng đồng dân tộc khác nhau sống hòa bình bên cạnh nhau. Singapore là một trong những nơi sinh sống ít rủi ro.
Tỷ lệ tội phạm ở đây là một trong những nơi có mức thấp nhất trên thế giới. Singapore cũng luôn ở thứ bậc cao trong Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế - bảng xếp hạng hàng năm về các quốc gia có ít tham nhũng nhất trong khu vực công.
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đã rời quê hương của mình để sống lưu vong vào năm 1966 vì phản đối chiến tranh ở Việt Nam và sau đó đã chết trên quê hương mình, con người ai cũng đều khao khát có mái ấm gia đình ấm áp yêu thương, nơi chúng ta cảm thấy không cần phải đi đâu, làm gì hay theo đuổi bất cứ điều gì nữa. Tất cả chúng ta đều có khao khát, mong muốn được ở trong ngôi nhà thực sự của chúng ta.
Theo ông, “Nhà” là cái gì đó ở bên trong và luôn ở bên chúng ta. Chúng ta có thể sống cả đời xa lánh nơi nội tâm này, chạy chỗ này chỗ kia, tìm kiếm cái này cái kia. Trở về nhà là hành trình thực sự duy nhất của con người, hành trình chúng ta gọi đó là cuộc đời.