Theo đuổi hành trình trang sách để cho giai điệu bay lên
Nhạc sĩ Thế Bảo tên đầy đủ là Trần Thế Bảo, sinh ngày 22-8-1937 tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 17 tuổi, chàng trai Trần Thế Bảo gia nhập Đoàn Văn công Liên khu 5 rồi tập kết ra Bắc. Nhờ thành tích học tập xuất sắc tại Trường Âm nhạc Việt Nam, nên sau khi tốt nghiệp, ông được mời lại làm giảng viên âm nhạc từ năm 1959.
Chuyển từ Hà Nội vào công tác ở Nhạc viện TPHCM sau ngày non sông thống nhất, nhạc sĩ Thế Bảo không ngừng học tập. Ông tu nghiệp tại Nhạc viện Liszt Franz, Bungary rồi bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1990 và được phong Phó Giáo sư năm 1991.
Về ca khúc, ông có 2 tuyển tập “Lao xao rừng thông” và “Gửi gió đưa hương”. Về khí nhạc, nhạc sĩ có bản giao hưởng thơ “Rừng Sác”, tổ khúc “Thăng Long 990”, “Cửu Long mênh mông”... Ông có nhiều sáng tác được công chúng ưa chuộng như “Hỡi dòng sông Trà”, “Tráng ca hải đội Hoàng Sa”, “Sa Pa hỡi Sa Pa hời”, “Mùa cúc họa mi”.
Ông cho biết nhờ đam mê đọc sách, nên lời bài hát được bồi đắp nhiều chất thơ. Thử nghe ca khúc “Người tình Thoại Sơn”, sẽ nhận ra ngôn từ bay bổng của ông: “Hỡi em có nghe khúc ru tình xanh lá / Anh theo chim vượt trùng mây kịp mùa lúa mới”.
Giản dị và mực thước, nhạc sĩ Thế Bảo rất được đồng nghiệp và bạn bè nể trọng. Bên cạnh công tác đào tạo, ông từng được tín nhiệm làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc TPHCM và Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiều khóa. Đồng thời, ông cũng từng giữ vị trí Tổng Biên tập Tạp chí Sóng Nhạc và Phó tổng Biên tập Tạp chí Âm Nhạc Việt Nam.
Tuy nhiên, mọi danh vọng đối với ông chỉ giống như vật ngoài thân. Điều ông bận tâm nhất là theo đuổi hành trình trang sách mở ra cho giai điệu bay lên.
Ông cho rằng, phải học mỗi ngày, ngay cả lĩnh vực âm nhạc ngỡ lãng mạn, phiêu bồng cũng phải học, học để sáng tác và học để thưởng thức: “Cộng đồng thường chỉ chăm chú theo dõi trình độ thẩm mỹ của người sáng tạo và xem nhẹ việc nâng cao thẩm mỹ của người thưởng thức. Xét cho cùng người thưởng thức là đối tác mà người sáng tác không thể không quan tâm. Vì vậy, cần giáo dục thẩm mỹ âm nhạc thật tốt cho người thưởng thức, cùng việc người thưởng thức phải tự nâng mình thành Tử Kỳ của Bá Nha, với người sáng tác”.
Việc học đối với nhạc sĩ Thế Bảo thể hiện qua sự nghiên cứu say sưa và tỉ mỉ. Ông có 3 công trình nghiên cứu âm nhạc được trao giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam là “Suy nghĩ về nhạc luật cổ truyền Việt Nam”, “Cảm nhận mỹ học âm nhạc”, “Lịch sử âm nhạc Việt Nam”.
Từ quá trình nghiên cứu của mình, Nhạc sĩ Thế Bảo bày tỏ: “Trong một xã hội dân chủ, tự do và văn minh, con người được tôn trọng nhiều mặt, trong đó có việc thưởng thức âm nhạc. Cần quan tâm đến việc thưởng thức của nhiều đối tượng đa dạng về tuổi tác và trình độ. Đồng thời, cũng cần quan tâm đến nhu cầu thưởng thức vô cùng phong phú về thể loại âm nhạc”.
Khát vọng khám phá âm nhạc
Thế nhưng, nhạc sĩ Thế Bảo không lụy hoàn toàn vào kinh viện, ông tương tác lý thuyết với thực tế để khái quát sự tiếp nhận âm nhạc ở mỗi người: “Việc yêu thích một bản nhạc có giai điệu, tiết tấu, phối âm hay, không chỉ vì nghệ thuật đơn thuần. Âm nhạc nhiều khi còn có khía cạnh gợi nhớ một kỷ niệm khó quên. Cho nên, điều thú vị đối với những người thưởng thức âm nhạc chính là những cảm xúc chung về niềm vui, nỗi buồn âm nhạc mang đến, nhưng sẽ có nhiều ngã rẽ của tình cảm người nghe khi khơi gợi cho mỗi người một hồi ức riêng biệt”.
Chính vì tư duy cởi mở học hỏi không ngừng, mà dường như ở nhạc sĩ Thế Bảo không thấy dấu vết của sự già nua. Ông nghỉ hưu đã lâu, nhưng ngôi nhà của ông ở đường Cù Lao, phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM không ngày nào không có khách đến thăm. Khách tìm gặp nhạc sĩ Thế Bảo gồm nhiều thành phần khác nhau, nhưng đều thích thú với nền tảng tri thức và khát vọng khám phá của ông.
Trong những người kính trọng đại thi hào Nguyễn Du, thì nhạc sĩ Thế Bảo lại có cách nghiên cứu đặc biệt. Ông chia sẻ: “Nguyễn Du đề cập rất nhiều đến âm nhạc. Khi đi sứ Trung Quốc trở lại Thăng Long, Nguyễn Du viết: Đường phố mở mang mờ lối cũ/ Sáo đàn pha tạp mất âm xưa.
Khi xót thương thân phận ca nhi, Nguyễn Du có Long Thành cầm giả ca ngậm ngùi: Tiếng khoan thoảng thông ngàn gió thổi/ Tiếng trong như hạc gọi xa xăm. Chưa hết, trong danh tác Truyện Kiều, Nguyễn Du miêu tả Thúy Kiều có đến 5 lần đánh đàn. Vậy Thúy Kiều dùng loại đàn gì? Nhiều người bảo Thúy Kiều chơi đàn nguyệt. Nhưng không phải, đàn nguyệt chỉ có 2 dây, còn loại đàn của Thúy Kiều "bốn dây như khóc như than". Cho nên, chính xác Thúy Kiều chơi đàn tỳ bà”.
Nhạc sĩ Thế Bảo đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017, nhưng ông không tự mãn với những gì đã đạt được. Ông tiếp tục lặng lẽ trau dồi và tập trung nghiên cứu âm nhạc dân tộc.
Theo ông, giai điệu Mông thường ngân nga như tiếng sáo, điệu khèn khi chậm rãi, khi khoan thai nhưng cũng có thể chuyển sang rộn ràng khi kết hợp với múa ô hay múa khèn. Còn thể loại hát then trước đây là hát cúng nhưng nay người Tày đã hát then ca ngợi cuộc sống mới sôi nổi với tốp ca nữ tự đệm đàn tính rất hay.
Ở tuổi 87, nhạc sĩ Thế Bảo đúc kết quá trình nghiên cứu của mình: “Âm nhạc thời Hùng Vương có tính bản địa lâu đời và điển hình của âm nhạc Đông Nam Á, đó là bộ gõ và cồng chiêng. Âm nhạc thời Hùng Vương được ghi rõ như biên niên sử trên trống đồng và có mối liên hệ sâu sắc với đàn đá của các nền văn minh Óc Eo và Sa Huỳnh phía Nam, để lại cho nhân loại một số di tích khảo cổ trống đồng, đàn đá có giá trị bền vững với thời gian. Âm nhạc thời Hùng Vương đã đặt nền móng để qua ngàn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt vẫn bảo toàn văn hóa riêng mình và tiếp thu văn hóa ngoại lai một cách sáng tạo”.