66% nhân viên ngân hàng tham gia khảo sát của JobStreet chỉ nhận lương dưới 10 triệu đồng, điều này khiến họ nghĩ đến việc bỏ nghề.
Khảo sát của JobStreet - mạng quảng cáo việc làm tại Đông Nam Á - mới đây đối với 1.885 nhân sự đang làm việc tại ngân hàng cho thấy 66% nhận được mức lương dưới 10 triệu. Điều này khiến 29% nhân sự ngành muốn chuyển nghề do mức lương thấp hơn so với kỳ vọng; 53% cảm thấy thiếu cơ hội phát triển và khó đạt được vị trí mà họ mong muốn.
Báo cáo lương của JobStreet công bố vào tháng 5/2015 cũng chỉ ra rằng, mức lương thực tế mà nhân viên ngành ngân hàng nhận chỉ từ 6,7 đến 10,5 triệu đồng một tháng. Theo đánh giá của họ, mức thu nhập trên thấp hơn khoảng 1,5 lần so với các nước trong khu vực. Như tại Malaysia, nhân viên ngân hàng nhận được từ 11,5 đến 16,3 triệu đồng.
Trên thực tế, nguồn cung nhân lực cho ngành tài chính - ngân hàng đang có xu hướng giảm khi số lượng đơn ứng tuyển trung bình cho một vị trí việc làm năm 2015 giảm khoảng 36% so với năm 2014 theo số liệu của JobStreet. "Ngân hàng vốn nổi tiếng về lương cao, thưởng lớn khiến làm việc cho họ luôn là giấc mơ của người lao động. Tuy nhiên, gần đây lợi thế mức lương không còn quá lớn khiến các nhà băng mất đi sức hấp dẫn đối với các ứng viên", đơn vị khảo sát việc làm này cho hay.
Trong lúc cung đang có dấu hiệu đi xuống thì cầu lại không hề giảm vào những tháng cuối năm. Khảo sát của JobStreet cho thấy 83% các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng nhiều hơn vào quý III/2015, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhân viên do công ty mở rộng quy mô và một phần để thay thế những người nghỉ việc.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại lại cho biết, thu nhập bình quân tháng của mỗi nhân viên vẫn rất cao, hầu hết trên 10 triệu đồng. Tại một số ngân hàng thương mại Nhà nước và cổ phần quy mô lớn, thu nhập bình quân tháng của một nhân viên tới 17-19 triệu đồng. Trên thực tế, đây là mức thu nhập mang tính kế toán nhiều hơn là thực tế bởi đã bao gồm thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng của các nhân sự cấp cao.