Do đó, việc xác định đúng loại đất thổ cư hay đất nông nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân địa phương khi nhà nước thu hồi đất và nhà đầu tư mua đất khu vực quanh sân bay.
Thổ cư “biến” thành nông nghiệp
Năm 1990, gia đình thương binh hạng 3/4 Thái Xuân Kiên (ngụ ở tổ 1, khu phố Phước Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) mua đất của UBND xã Long Đức (cũ). Sau đó, gia đình ông Kiên xây nhà cấp 4, các kiốt sát mặt đường Võ Thị Sáu và đường Tôn Đức Thắng, sinh sống ổn định và không xảy ra tranh chấp.
Tiếp đó, vào năm 2012, gia đình ông Kiên được UBND huyện Long Thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BK 673546, ghi rõ là trong số 835,9m2 với mục đích sử dụng riêng có 300m2 đất ở nông thôn. Để thực hiện dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng khu trung tâm hành chính huyện, gia đình ông Kiên bị thu hồi 255,2m2 để mở rộng đường Võ Thị Sáu.
Theo điều tra của PV Báo SGGP, hiện trạng phần diện tích bị thu hồi, gia đình ông Kiên đã xây nhà và kiốt cho thuê, nhưng UBND huyện Long Thành không hiểu vì lý do gì, xác định đây là đất nông nghiệp và bồi thường cho gia đình ông mức giá 2,419 triệu đồng/m2. Ông Kiên khẳng định, diện tích đất Nhà nước thu hồi nằm trong diện tích 300m2 đất ở, nhưng lại bồi thường giá đất nông nghiệp, gây thiệt thòi cho gia đình ông vì giá thổ cư hiện tại là 13,4 triệu đồng/m2; đất của ông thuộc dạng “thổ cư di dộng”, được hiểu là công trình nhà ở xây dựng ở đâu thì vị trí đó coi là đất ở.
Ngày 3-11-2020, UBND huyện Long Thành có Thông báo số 2277/TB-UBND dựa trên Quyết định số 41/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai, nội dung: “Các trường hợp hộ gia đình đề nghị bồi thường đất ở, nếu có diện tích nhà lớn hơn đất thổ cư trong sổ đỏ thì không có cơ sở xem xét bồi thường đất ở”. Do đó, việc UBND huyện Long Thành không công nhận 255,2/300m2 đất ở là chưa thỏa đáng. Thế nhưng, đầu tháng 3-2022, chính quyền địa phương ban hành quyết định cưỡng chế và đến ngày 8-4-2022 đã phá dỡ toàn bộ các công trình xây trên phần đất thu hồi, không lập biên bản thu giữ, quản lý tài sản.
Tương tự, gia đình ông Lê Hồng Mát (ở khu phố 6, phường Tân Tiến, TP Biên Hòa) có thửa đất rộng 2.255,2m2 được Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cấp sổ đỏ số CI 30 1978, thửa số 367, tờ bản đồ số 5 vào ngày 29-6-2017, trong đó diện tích được cấp là 2.184,4m2, gồm 250m2 đất đô thị, 1.934,4m2 đất trồng cây lâu năm. Khi mở đường tuyến đường Tôn Đức Thắng (huyện Long Thành), ông Mát bị thu hồi 535,4m2, UBND huyện xác định có 89,5m2 đất đô thị, 445,9m2 đất nông nghiệp. Gia đình ông Mát không đồng tình, cho rằng phải được bồi thường 250m2 thổ cư và thực tế thì trong 535,4m2 bị thu hồi, gia đình đã xây nhà cấp 4 cho thuê, không sản xuất nông nghiệp.
Trong thông báo trước đó, UBND huyện Long Thành đồng ý bồi thường cho gia đình 250m2 đất ở đô thị, nhưng tại Quyết định số 5223/QĐ-UBND về việc phê duyệt bồi thường, hỗ trợ chỉ xác định 89,5m2 đất ở đô thị là vô lý. Ngoài ra, tại phần đất giáp trục đường Võ Thị Sáu, ông Mát còn bị thu hồi trên 150m2, nhưng chưa có quyết định thu hồi và quyết định bồi thường, hỗ trợ. Tuy vậy, ông Mát vẫn tự giác chấp nhận tháo dỡ 5 kiốt, bàn giao đất cho đơn vị thi công và đoạn đường này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Đất quy hoạch thổ cư vẫn khó chuyển mục đích
Ngược lại với tình trạng trên, do dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được triển khai nên tỉnh Đồng Nai có chủ trương điều chỉnh quy hoạch vùng xung quanh sân bay từ quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng. Do đó, có những thửa đất trước đây, giai đoạn 2015-2020, đã được quy hoạch có một phần thổ cư (màu hồng) trên bản đồ, nhưng nay có thể điều chỉnh trở về đất trồng cây lâu năm mà người mua không biết.
Thời gian gần đây, một số nhà đầu tư lâm vào tình trạng “chết đứng” khi những thửa đất ở xã Bình Sơn, Cẩm Đường (huyện Long Thành) được mua với giá 1,2-1,5 tỷ đồng/sào không thể lên thổ cư, hay vướng vào quy hoạch công trình. Chị T., nhân viên môi giới bất động sản, cho biết, nhiều trường hợp mua đất có quy hoạch đất thổ cư ở xã Cẩm Đường, nhưng gần đây bị điều chỉnh làm trung tâm thương mại, đường giao thông, khi đền bù chỉ là theo giá đất nông nghiệp.
Đa số người mua từ TPHCM để đầu cơ. Chị N.T.T. (một người môi giới đất ở xã Cẩm Đường) nói: “Có nhiều người mua mất trắng vì nếu đất vẫn giữ quy hoạch có thổ cư, giá đất hiện tại là hơn 2,5-3 tỷ đồng/sào, tùy vị trí. Nay vướng quy hoạch đất thương mại, giao thông nên không chuyển sang đất thổ cư được, họ đang rao bán chỉ còn 1,2 tỷ đồng vẫn không người mua. Hiện đất mặt tiền, giá đền bù của nhà nước chỉ khoảng 300-400 triệu đồng/sào, càng vào trong thì giá càng thấp, khoảng 200 triệu đồng/sào; do chủ đất không thể bán nên chấp nhận làm quán, hàng rào để được đền bù tài sản trên đất, bù lại thiệt hại.
Một lãnh đạo UBND xã Bình Sơn tâm sự, có người khóc ròng vì khi xuống tiền mua đất có quy hoạch đất thổ cư nhưng chưa chắc đã chuyển mục đích sang thổ cư được, vì đang chờ điều chỉnh quy hoạch và thường là đất sẽ bị mất giá, người đầu tư cầm chắc phần lỗ.