Cùng thể hiện thiện ý
Đây là cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên giữa hai bên kể từ tháng 6-2016 và được xem là rất quan trọng đối với việc giải quyết xung đột thương mại giữa hai nước. Đây cũng là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa quan chức thương mại hai nước sau khi Seoul quyết định gia hạn Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Tokyo, coi đây như một động thái thiện chí nhằm giải quyết tranh cãi thương mại.
Theo Bộ thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, hai bên dự kiến thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các hệ thống kiểm soát xuất khẩu của mỗi nước, bao gồm quy định về các công nghệ nhạy cảm. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama bày tỏ hy vọng cuộc gặp này sẽ là điểm khởi đầu cho việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu.
Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết tranh cãi giữa hai nước về vấn đề bồi thường lao động thời chiến và thảo luận về các quy định kiểm soát xuất khẩu. Bà Kang Kyung-wha kêu gọi Nhật Bản sớm rút lại những hạn chế đã áp đặt với hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Căng thẳng giữa hai nước leo thang kể từ tháng 10-2018, khi tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc, và loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại…
Tình hình sẽ trở nên tốt hơn
Hãng Reuters cho biết, hoạt động của các nhà máy ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp tục giảm vào tháng 11. Kinh tế cả hai nước đều chững lại. Đối với Nhật Bản, thuế tiêu thụ tăng và nhu cầu toàn cầu giảm (đặc biệt đối với ô tô) là lý do khiến nền kinh tế Nhật Bản chững lại. Các số liệu cho thấy, thuế tiêu thụ tăng đối với hầu hết các hàng hóa gây ra những tranh cãi kéo dài ở Nhật Bản, dẫn đến sự sụt giảm trong chi tiêu cá nhân. Nhu cầu của người tiêu dùng giảm kéo theo hoạt động công nghiệp nội địa thấp. Phía Hàn Quốc cũng không sáng sủa hơn khi hãng CNBC thông báo tất cả các chỉ số cho thấy mọi thứ ở xứ Kim chi đang chạm đáy.
Tuy nhiên, ông Jesper Koll, cố vấn cao cấp của Wisdom Tree Investments, nhận xét: “Bất chấp nhiều quan điểm khác nhau về các sự kiện lịch sử, chính sách kinh tế và thương mại sẽ thắng thế, các nhà lãnh đạo của 2 quốc gia đã nhận ra rằng họ có trách nhiệm chứng minh với các quốc gia châu Á khác rằng nền thương mại tự do dựa trên luật lệ là nền tảng tốt nhất cho sự thịnh vượng chung, không chỉ ở Hàn Quốc và Nhật Bản, mà tất cả các quốc gia châu Á và thế giới”.
Cùng quan điểm này, Goohoon Kwon, chuyên gia kinh tế cao cấp khu vực châu Á tại Goldman Sachs thậm chí còn tỏ ra lạc quan hơn: “Năm tới, tình hình sẽ trở nên tốt hơn, trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung Quốc hạ nhiệt phần nào, các nền kinh tế xuất khẩu như Hàn Quốc sẽ dần trở lại bình thường, sự tăng trưởng sẽ ở mức chấp nhận cho đến ít nhất quý 2”.