Và chuyện nhảy việc cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm và đưa ra ý kiến như: “Có nên nhảy việc khi làm chưa được nửa năm”, “Tìm việc trước rồi nghỉ việc hay nghỉ việc trước rồi tìm việc sau”, “Nhảy việc nên bắt đầu từ đâu”… Một số bình luận thu hút đông đảo sự quan tâm như: “Sao phải đứng yên ở những ngày còn trẻ”, “Không nên an nhàn ở những năm tháng có thể chịu được cực khổ”, “Không thích thì rời đi, đừng cố ép bản thân với chuỗi ngày nhàm chán”…
Bên cạnh chuyên môn, người trẻ cần trang bị cho mình kỹ năng làm việc nhóm để có thể hòa nhập nơi công sở
Không phải ngẫu nhiên mà chuyện nhảy việc trở thành đề tài được nhiều bạn trẻ quan tâm. Có thể thấy nhảy việc là tình trạng khá phổ biến trong tuyển dụng lao động trẻ hiện nay, không quá một năm hoặc thậm chí là nửa năm, nhiều bạn đã nộp đơn xin nghỉ. Người làm văn phòng ngày 8 giờ thì than nhàm chán, thích công việc tự do bay nhảy hơn. Người làm tự do thì thích việc văn phòng, vì tiền lương ổn định mỗi tháng.
Chuyện đi tìm việc hiện nay khá dễ dàng, có riêng những trang web và cả ứng dụng trên điện thoại, vài cái chạm, lướt là người tìm việc có thể nộp ngay hồ sơ ứng tuyển trực tuyến. Có không ít những lý do khá “trời ơi” để người trẻ thay đổi công việc liên tục như, tiền lương công ty khác cao hơn, chỗ công ty mới có nhiều bạn bè hơn, hay đơn giản chỉ là chán công ty cũ không thích công việc hiện tại nên tìm việc khác, xích mích với đồng nghiệp… Phần nhiều các lý do điều khá cảm tính hoặc mơ hồ ở cách lựa chọn công việc cho bản thân.
Đặc biệt, văn hóa nơi làm việc là lý do khiến nhiều người quyết định nhảy việc như: “Bị trù dập”, “sếp thiên vị”, “đồng nghiệp không tốt”, “sếp đì”… Và mỗi lần chuyển việc, không ít các bạn trẻ lại ngắn dài trên trang cá nhân những bài viết như thể “tế” công ty cũ, khiến nhiều người có cảm giác, một số người trẻ đi làm không phải để tìm kiếm sự thử thách mà như để tìm thêm những lý do mới, ly kỳ để nghỉ việc.
Thay vì phấn đấu để gặt hái “quả ngọt”, không ít người sẵn sàng chuyển chỗ làm. Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, Nguyên Thảo (28 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) bắt đầu với công việc môi giới bất động sản vì mức hoa hồng hấp dẫn và đi làm chung chỗ với nhóm bạn thân. Tuy nhiên, trước áp lực doanh số đầy khắc nghiệt, Thảo không trụ được với công việc quá 3 tháng, và bắt đầu xin việc ở ngân hàng.
“Chỗ làm hiện tại này cũng là chỗ làm thứ 3 của tôi rồi, nghỉ việc ở công ty bất động sản tôi cũng nhảy qua hai ngân hàng rồi mới xin việc ở đây. Nhảy việc thì cũng hơi cực vì ở mỗi chỗ làm mới mình đều phải bắt đầu lại, nhưng bù lại có thêm nhiều mối quan hệ và tìm nơi làm thích hợp để bản thân thấy hứng thú hơn là giậm chân mãi ở công ty cũ”, Thảo chia sẻ.
Những ý kiến bênh vực cho rằng, chuyện nhảy việc ở bạn trẻ cũng không có gì quá nghiêm trọng, để tìm được một công việc phù hợp với sở thích lẫn chuyên môn thì chuyển qua vài chỗ cũng là lẽ bình thường. Với những lý do về chuyên môn hay lương thưởng là điều dễ dàng chấp nhận được. Tuy nhiên, những lý do cảm tính như “bị trù dập” có lẽ là vấn đề mà người trẻ khi bước chân đi làm cần chú ý. Bởi lý do “bị trù dập” không khác nào thừa nhận bản thân không thể thích nghi với mối quan hệ công sở và điều hòa được cách cư xử của bản thân trong sự phức tạp, đa dạng cá tính của một tập thể hay nhóm người.
Mỗi lứa tuổi điều có những khó khăn riêng và trước khi trưởng thành người ta luôn phải đối mặt với những “khủng hoảng” ở giai đoạn tiền trưởng thành. Đặc biệt, với bạn trẻ vừa mới bắt đầu đi làm, có khá nhiều áp lực trên vai, bên cạnh việc trau dồi chuyên môn, người trẻ cần luyện cho mình một tâm lý sẵn sàng, tinh thần làm việc tích cực.