Trong khuôn khổ diễn đàn lần này còn có Đối thoại hữu nghị TPHCM lần thứ 2 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”, diễn ra từ ngày 23 đến 24-9.
Đó là những thông tin được Sở Ngoại vụ TPHCM và Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu về chương trình Đối thoại hữu nghị TPHCM lần thứ 2 và Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5, diễn ra sáng nay 12-9.
Theo đó, Đối thoại hữu nghị TPHCM lần thứ 2 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển” diễn ra từ ngày 23 đến 24-9 nhằm thúc đẩy quan hệ giữa TPHCM với các địa phương kết nghĩa trên thế giới; đồng thời là dịp quảng bá về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đối thoại lần này còn là cơ hội để thảo luận về kinh nghiệm, phương hướng, giải pháp thúc đẩy hợp tác, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, nâng tầm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của TPHCM.
Nổi bật trong chuỗi hoạt động là Phiên hội nghị thị trưởng với sự tham dự của lãnh đạo Trung ương, bộ ngành, lãnh đạo TPHCM và đại diện 58 địa phương quốc tế có quan hệ hữu nghị hợp tác với TPHCM như: Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Canada, Phần Lan… Theo đó, các đại biểu sẽ thảo luận về thế mạnh, lĩnh vực ưu tiên và tiềm năng hợp tác quốc tế của các địa phương, đề xuất các sáng kiến hợp tác cấp địa phương trong việc đẩy mạnh chuyển đổi công nghiệp phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Còn Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 diễn ra từ ngày 24 đến 27-9 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM”, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các tổ chức định chế tài chính, tập đoàn, diễn giả, chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, các mục tiêu, chương trình trọng điểm của TPHCM.
Diễn đàn lần này hướng thảo luận đến nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển công nghiệp của TPHCM theo chiều sâu, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng vật liệu mới, sử dụng năng lượng xanh và phát triển bền vững.
Diễn đàn xoay quanh các nội dung như: xu thế chủ đạo về chuyển đổi công nghiệp trên thế giới; hệ sinh thái quản trị và chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp; chiến lược chuyển đổi công nghiệp TPHCM trong bối cảnh kết nối vùng, khu vực, quốc tế và xu hướng công nghệ mới; vai trò trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TPHCM; các ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp; vai trò của doanh nghiệp trong chuyển đổi công nghiệp; đối thoại chính sách giữa Thủ tướng, lãnh đạo bộ ngành, lãnh đạo UBND TPHCM cùng các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Năm nay, Diễn đàn dự kiến có sự tham gia của 1.500 đại biểu đến từ các bộ ngành Việt Nam, các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB), các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ.