(ĐTTCO) - Tại Hội nghị thượng đỉnh Thị trưởng các thành phố lớn thuộc nhóm C40 vừa diễn ra ở Mexico tuần trước, thị trưởng Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Mexico City (Mexico) và Athens (Hy Lạp) đã cam kết loại bỏ hoàn toàn ô tô sử dụng động cơ diesel ở các thành phố này vào năm 2025. Trước đó, nhiều thành phố trên thế giới cũng đã đưa ra các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm bầu không khí.
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường sống trong các đô thị lớn đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Vì thế, 4 thành phố Paris, Athens, Madrid và Mexico City đã đi trước một bước trong quá trình loại bỏ ô nhiễm không khí, là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng biện pháp này. Động thái trên là bước tiến nhằm chống lại biến đổi khí hậu, tạo sự thúc đẩy cải tiến trong ngành động cơ diesel. Đồng thời, góp phần giảm lượng xe ô tô lưu thông và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng.
"Chúng tôi không chấp nhận tình trạng ô nhiễm không khí và tình hình sức khỏe của người dân bị giảm sút nữa. Những vấn đề lớn như ô nhiễm không khí cần phải có những hành động thật quyết liệt và nghiêm túc. Chúng tôi kêu gọi các nhà sản xuất ô tô hãy đồng hành cùng ý tưởng này" - Thị trưởng Paris, bà Anne Hidalgo cho biết. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Athens, ông Giorgos Kaminis thậm chí còn cho biết mục tiêu sẽ cấm hoàn toàn ô tô ở trung tâm Athens trong tương lai không xa.
Hiện các xe ô tô sử dụng động cơ diesel đang chiếm khoảng 50% thị phần tại châu Âu, so với chỉ 3% ở châu Mỹ. Điều này khiến các thành phố tại châu Âu trở thành nơi có nồng độ khí thải NO cao nhất, vượt ngưỡng an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới ban hành. Nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, trước đó Tòa thị chính Paris cũng đã ban hành quy định cấm các phương tiện gắn động cơ đời cũ tham gia lưu thông.
Dịch vụ minibus Kutsuplus tại Helsinki cho phép hành khách chỉ định điểm đón và điểm đến bằng ĐTDĐ. |
Cụ thể, Thị trưởng A. Hidalgo cấm các loại xe du lịch đăng ký trước thời điểm đầu năm 1997 và các loại xe tải, xe chở khách đường dài đăng ký trước ngày 30-9-2001 hoạt động trên các con đường trong Paris, trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 20 giờ đêm các ngày thường trong tuần. Đồng thời thực hiện lệnh cấm “ngày không xe hơi”, không cho mọi phương tiện gắn động cơ lưu thông vào khu trung tâm thành phố trong 2 ngày nghỉ cuối tuần.
Bất cứ ai vi phạm sẽ bị tước bằng lái vô thời hạn. Vào những thời điểm mức độ ô nhiễm không khí lên cao, chính quyền sẽ yêu cầu các phương tiên giao thông chỉ được hoạt động theo các ngày chẵn - lẻ. Chính quyền Paris khuyến khích người dân sử dụng xe đạp và các chương trình chạy xe chung.
Trong khi đó, Thủ đô Helsinki (Phần Lan) đã lên phương án loại bỏ hoàn toàn hoạt động xe hơi trong 10 năm tới. Sonja Hekkila, kỹ sư giao thông ở Helsinki, cho rằng nếu loại bỏ xe hơi chính quyền cần phải đảm bảo dịch vụ mạng giao thông công cộng cung ứng đầy đủ. Theo một khảo sát, những người đi lại bằng các phương tiện cá nhân bị mất 8 ngày mỗi năm do tắc đường, vì vậy chính quyền Helsinki hy vọng nếu loại bỏ ô tô có thể giảm tình trạng này.
Hiện tại, Helsinki đang phát triển hệ thống giao thông công cộng thông minh, được xây dựng bằng công nghệ cao. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Helsinki phân phối 1 dịch vụ minibus hiện đại có tên Kutsuplus, cho phép hành khách chỉ định điểm đón và điểm đến bằng điện thoại. Máy tính sẽ tính toán lộ trình hiệu quả nhất cho hành khách. Bên cạnh đó, người dân có thể gọi xe buýt, taxi, xe chia sẻ, tự hành hay các phương tiện công cộng. Giới chức Phần Lan cho biết, Helsinki sẽ là thành phố thí điểm thử nghiệm, nếu thành công mô hình sẽ được nhân rộng khắp quốc gia.