Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tại phường An Bình (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương).
Buông lỏng quản lý
Ngày 5-8-2015, TTCP ra Thông báo kết luận thanh tra 2236/TB-TTCP về công tác quản lý, sử dụng đất của VNR tại phường An Bình. Nội dung kết luận thanh tra này trước đó đã được TTCP ban hành tại Văn bản 2868/KL-TTCP ngày 26-11-2014.
Cơ quan thanh tra nêu rõ chủ trương về mở rộng ga Sóng Thần là cần thiết để tăng cường năng lực vận tải đường sắt cho khu vực, nhất là trong tình hình phát triển hiện nay, yêu cầu này càng bức thiết. Từ khi được giao đất, bãi hàng An Bình đã góp phần chia sẻ sự quá tải của ga hàng hóa Sóng Thần.
Tuy nhiên, công tác quản lý sử dụng đất, hạ tầng đường sắt tại bãi hàng An Bình của VNR và các đơn vị tổ chức liên quan, qua các nội dung đã thanh tra còn bộc lộ một số tồn tại. Về công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng chưa được quan tâm thỏa đáng: ngành đường sắt sau khi tiếp nhận đất cho đến nay chưa trình duyệt quy hoạch chi tiết ga An Bình, cũng như chưa có dự án để đầu tư và kêu gọi đầu tư.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý (kiểm soát, định hướng nguồn lực tài chính, đất đai), còn là nguy cơ lãng phí nguồn vốn do việc đầu tư không có kế hoạch dài hạn; khó khăn trong việc sắp xếp xử lý nhà, đất. Việc đầu tư thiếu đồng bộ dẫn tới bãi hàng An Bình chưa kết nối thật sự với ga Sóng Thần để trở thành ga theo đúng mục đích giao đất ban đầu. Thực tế bãi hàng An Bình đang là bãi hàng tạm ngoài ga với hệ thống đường bộ sơ sài, rất khó khăn cho khai thác vào mùa mưa.
Tổ chức quản lý bãi hàng An Bình chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả và không rõ ràng: Phân cấp quản lý của VNR giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Sài Gòn trực tiếp quản lý và hỗ trợ cho việc quản lý là Phân ban hạ tầng đường sắt Khu vực 3.
Tuy nhiên, việc quản lý của 2 đơn vị này thực tế là quan hệ với chính quyền địa phương để giải quyết các thủ tục pháp lý đất đai, tham gia giải quyết tranh chấp khiếu nại đất đai và tham mưu cho VNR về sử dụng đất. Điều này đã dẫn đến để xảy ra các vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai, như lấn chiếm, giao cấp đất trái phép, không phát hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên đất được giao…
Công tác quản lý địa chính, chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành quy định về quản lý tài sản nhà đất chưa chặt chẽ và chưa tuân thủ nghiêm các quy định. Điều này thể hiện rõ qua các nội dung lập bản đồ địa chính, theo dõi biến động đất đai, thu hồi và cấp GCNQSDĐ, sắp xếp xử lý nhà đất còn nhiều bất cập và không chính xác. Quân đoàn 4 giao cấp đất, xác nhận cho một số hộ không phù hợp với quy định, thực tế quản lý và các tài liệu pháp lý về quản lý sử dụng đất của đơn vị.
Có dấu hiệu tiêu cực
Các tồn tại, hạn chế trên cũng chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến các sai phạm sau: Không kịp thời lập phương án sắp xếp nhà, đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xử lý và sử dụng nhà, đất có hiệu quả. Giao cấp đất cho 81 hộ cán bộ công nhân viên trái thẩm quyền, trong đó có 14 hộ giao ngoài ngành đường sắt có dấu hiệu tiêu cực. Sau giao cấp không tiến hành quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng không phép của các hộ.
Hiện vẫn còn 2 đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích bãi hàng và 1 đơn vị chưa đưa đất vào sử dụng. Cho thuê cơ sở hạ tầng đường sắt nhưng không tiến hành thẩm định giá theo quy định, không làm hợp đồng cho thuê, làm thất thu ngân sách. Không kịp thời có ý kiến ngăn chặn để việc cấp GCNQSDĐ trên diện tích đất được giao. Thu hồi GCNQSDĐ đã cấp nhưng không cấp lại theo quy định.
TTCP khẳng định, để xảy ra sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc VNR và thủ trưởng các đơn vị, gồm Công ty TNHH MTV Đường sắt Sài Gòn; Xí nghiệp Vận dụng Toa xe hàng Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Thông tin tín hiệu Đường sắt Sài Gòn; ga Sóng Thần; Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An. TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất tại ga An Bình. Trong đó, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo UBND thị xã Dĩ An kiểm điểm việc cấp 29 GCNQSDĐ trong ranh đất đã giao VNR.
Ảnh minh họa. |
Trước mắt tiến hành thu hồi GCNQSDĐ CH00918 ngày 25-11-2011 cấp cho ông Nguyễn Quang Điện do cấp chồng lấn đất đã cấp cho ngành đường sắt. UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra việc cấp GCNQSDĐ trên thửa đất 666 tờ bản đồ địa chính 7AB có dấu hiệu sai pháp luật. Đối với VNR, tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm về những tồn tại, thiếu sót đã nêu trong kết luận thanh tra, khắc phục những tồn tại.
Về xử lý hình sự, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ và xử lý trách nhiệm cá nhân về hành vi cố ý làm trái trong việc giao cấp đất cho 14 hộ ngoài ngành đường sắt, sau đó 12 hộ chuyển nhượng trái phép, thu lợi.
Trước đó, ngày 7-5-2015, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 3173/VPCP-V.I về việc xử lý sau thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất của VNR tại phường An Bình, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, như sau: “Đồng ý với kết luận, kiến nghị của TTCP tại Văn bản 268/KL-TTCP ngày 26-11-2014. Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh Bình Dương, VNR và các cơ quan liên quan thực hiện và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8-2015. Riêng kiến nghị xử lý hình sự việc giao, cấp đất cho 14 hộ ngoài ngành đường sắt, TTCP cần làm rõ việc thu lợi trái phép và dấu hiệu tiêu cực, nếu có dấu hiệu tội phạm chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định”.