Phát biểu tại hội thảo, TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, cho biết: “Đồng bằng sông Hồng vừa trải qua cơn bão Yagi với tổn thất lớn về người và tài sản, thiệt hại hơn 40.000 tỷ đồng. Hội thảo tập hợp những ý kiến chia sẻ của những người trực tiếp đối diện và trải nghiệm sự kiện hiểm nghèo vừa qua; ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhìn nhận đánh giá sự kiện từ góc độ phân tích về thể chế, kỹ thuật, để từ đó có những kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền nhằm thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17-9-2024”.
Cũng tại hội thảo, TS Hà Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kyuden Innovatech Vietnam, đại diện Liên danh KIV - WeatherPlus đã trình bày hiệu quả của giải pháp “Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT và điều tiết lũ trong cơn bão Yagi” thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia cũng như đại diện các cơ quan chức năng.
TS Hà Ngọc Tuấn cho biết: “Trong bối cảnh cơn bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, con người và tài sản, hệ thống HNT với công nghệ Nhật Bản đã hỗ trợ vận hành hiệu quả an toàn ở 3 nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Kỳ Cùng, một trong số những hệ thống sông chịu tác động lớn từ mưa lũ do hoàn lưu bão Yagi gây ra”.
Hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT có khả năng dự báo mưa và lưu lượng về hồ với độ chính xác khả dụng (70-80%) hỗ trợ vận hành an toàn trong trận bão Yagi cho các hồ chứa Khánh Khê, Bản Nhùng và Thác Xăng trên hệ thống sông Kỳ Cùng.
Các hồ chứa thủy điện này đã thực hiện công tác chuẩn bị phòng lũ tốt trước cơn bão nhờ có thông tin dự báo. Đặc biệt, các hồ chứa đã vận hành tuyệt đối an toàn, đúng quy trình trong cơn lũ lịch sử với đỉnh lưu lượng lớn nhất chưa từng xảy ra ở các hồ chứa này. Dựa vào thông tin dự báo sớm, các nhà máy thủy điện đều vận hành phát điện hạ mực nước triệt để xuống thấp để tăng thu nhập và mở ra dung tích trống nhằm điều tiết lũ an toàn.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Liên danh KIV - WeatherPlus, các nhà máy thủy điện nên áp dụng công nghệ Nhật Bản hỗ trợ ra quyết định vận hành HNT để nâng cao mức an toàn vận hành lũ và đồng thời tăng sản lượng nhờ vận hành đón lũ giảm xả thừa trong các cơn lũ…
Thực tế qua bão Yagi cho thấy, dù quy mô lũ lớn lịch sử nhưng ứng dụng đã phát huy hiệu quả tại thủy điện Bản Nhùng, Thác Xăng, Lạng Sơn, vận hành đúng quy trình. Sau cơn bão lịch sử này, trong khi rất nhiều nhà máy thiệt hại nhưng các thủy điện ứng dụng giải pháp HNT đều an toàn do dự báo được nên nhà máy chủ động hạ mực nước thấp nhất trước lũ, thông qua chạy máy, mở dung tích trống chờ lũ, chứa 1 phần lượng nước về hạ du khi lũ đến.
Nhờ những thông tin kịp, công tác chuẩn bị trước bão lũ được các thủy điện chuẩn bị kỹ lưỡng từ lương thực, nhiên liệu đến nguồn lực con người tuyệt đối đúng quy trình, không gây ra lũ nhân tạo, tăng nguy cơ cho hạ du. Như vậy, giải pháp đã giúp cảnh báo cho chủ đầu tư và dự báo lũ rất lớn, cảnh báo cho người dân vùng ngập lụt.