NHNN sẽ làm thanh toán thay BIDV?

(ĐTTCO) - Kế hoạch hành động của NHNN tại Quyết định 1355 nói rõ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính chuyển chức năng thanh toán trái phiếu chính phủ (TPCP), tiến tới chuyển toàn bộ việc thanh toán các giao dịch chứng khoán từ NHTM về NHNN.

(ĐTTCO) - Kế hoạch hành động của NHNN tại Quyết định 1355 nói rõ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính chuyển chức năng thanh toán trái phiếu chính phủ (TPCP), tiến tới chuyển toàn bộ việc thanh toán các giao dịch chứng khoán từ NHTM về NHNN.

Nếu kế hoạch này được thực hiện, công việc thanh toán giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) hiện do NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) “độc quyền” sẽ chuyển về NHNN. Quyết định cũng nêu rõ mục tiêu của việc chuyển đổi này nhằm giảm rủi ro, thời gian giao dịch và đảm bảo thị trường tài chính phát triển theo thông lệ quốc tế.

Hiện tại BIDV là kênh thanh toán duy nhất được chỉ định thực hiện dịch vụ thanh toán các giao dịch chứng khoán. Các thành viên tham gia thị trường chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu) phải mở tài khoản thanh toán tại BIDV và có số dư trong tài khoản dùng để thanh toán bù trừ cho các giao dịch mua bán trái phiếu, cổ phiếu lẫn nhau.

BIDV sẽ hỗ trợ tiền vay cho các thành viên trong trường hợp thiếu thanh khoản và quyết toán tiền giao dịch chứng khoán qua việc hạch toán vào tài khoản của thành viên mở tại BIDV.

Thực ra, từ năm 2007 một đề án được thành lập nhằm chuyển chức năng thanh toán tiền giao dịch TPCP, chứng khoán từ NHTM sang NHNN. Mục tiêu của việc chuyển đổi này nhằm đảm bảo sự minh bạch và công bằng trên thị trường cũng như phát huy vai trò của cơ quan quản lý. Đề án này cũng đã được lấy ý kiến các bên liên quan như Bộ Tài chính, NHNN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), các thành viên thị trường và nhận được sự thống nhất cao.

Tuy nhiên, cho đến nay việc chuyển đổi vẫn chưa được thực hiện. Lần gần đây nhất, việc chuyển thanh toán giao dịch TPCP từ BIDV sang NHNN đã được đưa ra thảo luận vào năm 2013. Khi đó, Sở giao dịch NHNN và VSD cũng đã ký thỏa thuận về việc phối hợp xử lý giao dịch giấy tờ có giá và công bố giải pháp kỹ thuật kết nối hệ thống với nhau để xử lý giao dịch giấy tờ có giá, dự kiến đầu năm 2015 sẽ triển khai thực hiện.

Việc chuyển thanh toán từ BIDV sang NHNN nhận được nhiều ý kiến đồng tình cũng như trái chiều. Ý kiến đồng tình cho rằng đây là việc cần thiết tạo ra sự công bằng giữa các thành viên của thị trường. Không thể giao toàn bộ việc thanh toán này cho BIDV, bởi điều này sẽ không công bằng đối với các thành viên còn lại. BIDV có thể tận dụng lợi thế độc quyền để thu lợi.

Ngoài ra, BIDV được hưởng lợi từ việc hàng chục ngàn tỷ đồng được lưu trữ thanh toán mỗi ngày. Hơn nữa, ở một số thị trường phát triển trên thế giới, để đảm bảo sự minh bạch và công bằng, các NHTM không phải là đơn vị thanh toán trung gian đối với các giao dịch trái phiếu hay chứng khoán. Tóm lại, phía quan ngại cho rằng để việc thanh toán này cho một NHTM thực hiện dễ bị rủi ro. Trong khi đó, những ý kiến trái chiều băn khoăn cho rằng, liệu NHNN có thể làm tốt công việc của BIDV đã làm hàng chục năm qua? Xét về khía cạnh hiệu quả của nền kinh tế, hàng chục ngàn tỷ đồng được gửi tại BIDV dùng để thanh toán có thể được BIDV sử dụng hiệu quả hơn đối với nền kinh tế khi được để tại NHNN.

Được biết hiện mức vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 1.512 ngàn tỷ đồng, tương đương 36% GDP. Giá trị trung bình giao dịch mỗi phiên trên thị trường chứng khoán đạt 3.500-4.000 tỷ đồng. Đối với TPCP, từ đầu năm đến nay đấu thầu trên thị trường thứ cấp gần 200.000 tỷ đồng, giao dịch trên thị trường sơ cấp khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng/ngày. Như vậy, với chức năng là trung tâm thanh toán sẽ có một lượng tiền rất lớn đang được BIDV xử lý giao dịch.

BIDV không chỉ được hưởng phí cung cấp dịch vụ giao dịch mà có thể tận dụng lượng tiền nhàn rỗi lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng từ các thành viên thị trường gửi tại đây để kinh doanh. Như vậy, nếu việc chuyển đổi về NHNN được thực hiện, rõ ràng BIDV sẽ bị ảnh hưởng khá lớn đến doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có thể việc chuyển đổi này sẽ kéo dài, bởi hiện nay mọi việc vẫn đang ở mức “đề án”.

Các tin khác